Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY - B: THANH TẨY ĐỀN THỜ

CN III Mùa Chay / B

Bài đọc 1: (Xh 20: 1-17)

Bài đọc 2: (1 Cr 1: 22-25)

Tin Mừng: (Ga 2:13-25)

 

Sách Đanien có kể câu chuyện sau: Ở Babylon, có một đền thờ kính thần Ben. Thần này ăn nhiều vô kể! Mỗi ngày người ta phải dâng cho thần 6 tạ bột mì, 40 con chiên và 250 lít rượu. Nhà vua ngày nào cũng đến bái thần. Thấy Đanien không chịu bái thần, vua trách: “ Sao ngươi không chịu bái thần của ta?” Đanien đáp: “ Hạ thần không thể lạy phục thần do người ta tạc ra. Thần chỉ thờ duy nhất Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tác tạo đất trời và nắm chủ quyền trên mọi mạng sống.” Vua nói: “ Ngươi không nghĩ rằng thần Ben là thần cao cả sao? Ngươi  đã không thấy ngài ăn uống mỗi ngày sao?” Đanien cười và đáp: “ Đức vua chớ có  lầm! Thần Ben chỉ bằng đất sét bọc đồng, nên chẳng ăn uống gì đâu.”

 

Nhà vua giận dữ, gọi các tư tế đến và bảo: “ Nếu các ngươi không nói cho ta biết ai ăn của dâng cúng mỗi ngày trên bàn thờ, thì các ngươi sẽ phải chết! Còn nếu các ngươi chứng minh được thần Ben đã ăn, thì Đanien sẽ bị xử chém!” Đanien đáp: “ Xin vua cứ cho thi hành.”  Số các tư tế của thần Ben gồm 70 người, chưa kể vợ con. Họ liền thưa với vua: “ Chúng tôi sẽ ra khỏi đền thờ. Xin đức vua cho đưa lễ vật đặt trên bàn thờ, và không cho một ai được ở lại trong đó.”

 

Sau khi đã đặt lễ vật trên bàn thờ, vua ra lệnh cho tất cả phải đi ra. Đanien đi theo sau vua và cho người đầy tớ rắc tro khắp chung quanh chân bàn thờ, rồi đi ra.

 

Sáng hôm sau, vua vừa đến cửa đền thờ nhìn vào, vội reo lên: “Ôi thần Ben cao cả! Ngài đã dùng hết lễ vật chúng tôi dâng!” Đanien nói với vua: “Xin đức vua chớ vội mừng! Bây giờ xin ngài mở cửa đền thờ và nhìn dưới gầm bàn thờ xem.” Khi vua nhìn xuống gầm bàn thờ, thì hỡi ôi! Nào đủ thứ dấu chân: lớn, nhỏ, đàn ông , đàn bà. Vua ngạc nhiên hỏi: “ Những dấu chân này là của những ai? “ Đanien tiến lại gần, cậu lật nắp đậy từ gầm bàn thờ dẫn đến nhà các tư tế. Lúc đó vua mới hiểu ra rằng: tư tế và vợ con cứ đến đêm là chui lên chuyển lễ vật cúng thần về nhà bằng con đường này. ( Xem Dn 14: 1-22)

 

Câu chuyện trên nói về sự thờ cúng của dân ngoại đối với thần của họ. Với cách phục vụ của các tư tế, họ đã lợi dụng lòng tin mù quáng của dân chúng để mưu cầu lợi ích riêng. Họ đã biến các lễ nghi của đền thờ thành những mối lợi cho mình. Như thế, việc làm của họ khác nào buôn thần bán thánh!

 

Đối với dân Do thái, dân riêng của Thiên Chúa, việc dâng tiến lễ vật nơi đền thờ, là những hình thức biểu lộ lòng tôn kính Thiên Chúa , một Đấng vô hình. Lúc ban đầu, những người chăm sóc Đền thờ đã tổ chức bán chiên bò, chim bồ câu hay đổi tiền bạc là nhằm phục vụ những người lên đền thờ có sẵn lễ vật, không phải mang theo từ xa. Thế nhưng, tinh thần phục vụ ấy càng ngày càng bị lợi dụng để biến thành những dịch vụ mua bán, đổi chác. Đền thờ được xem là nơi linh thiêng để con người hướng lòng về Thiên Chúa trong tinh thần tôn kính và thờ phượng, thì người ta đã biến Đền thờ thành chợ búa, thành nơi lọc lừa, thành hang trộm cướp, thành nơi cãi cọ giành giật lẫn nhau. Đó là lý do hôm nay Chúa Giêsu nổi giận khi thấy những cảnh tượng buôn bán, đổi chác bát nháo trước đền thờ:

 

“Gần đến lễ Vượt Qua của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có nhưng người bán chiên, bò, bồ câu, và những người đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra hỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu:“ Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nha Cha tôi thành nơi buôn bán.”

 

Suốt cuộc sống của Chúa Giêsu, Ngài luôn tỏ ra mình là người hiền lành và khiêm nhường. Đây có lẽ là lần duy nhất Chúa Giêsu nổi giận khi thấy người ta xem thường hay tục hóa nhà Cha Ngài là nơi cầu nguyện thành nơi buôn bán.

 

Chúa Giêsu không thể không nổi giận với những gì trái với ý muốn của Thiên Chúa hay hành động hạ nhục, phỉ báng Thiên Chúa. Ngài không thể dung tha cho cách hành đạo một cách sai lệch của con người. Người ta có thể tức giận vì những gì làm phật ý mình; tức giận như thế là vì mình, nhưng ở đây Chúa Giêsu tức giận không phải vì Ngài mà vì người ta biến nhà Cha Ngài thành nơi buôn bán, mà khi đã biến đền thờ thành nơi buôn bán thì mục đích của họ không phải là để tôn thờ phụng sự Thiên Chúa, nhưng là để mưu lợi ích cho mình; mục đích của họ là thu lợi nhuận, không còn mang tính chất phục vụ. Chúa Giêsu không nổi giận vì lý do cá nhân, nhưng cơn tức giận của Ngài phát xuất từ tình yêu, sự kính trọng của Ngài đối với Thiên Chúa và đối với mọi người. Hành động của Ngài tại Đền Thờ được coi như là một sự phản đối lại việc thương mại hóa tôn giáo và báng bổ tính chất thần thánh của Đền Thờ, lợi dụng các ngày lễ để biến thành cơ hội buôn bán đổi chác. Hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu cũng là một sự chống đối lại việc thương mại hóa tôn giáo và tục hóa nơi tôn kính.

 

Trước hết, Ngài chống lại việc người Do Thái đã có thái độ độc quyền về tôn  giáo. Họ đã biến tôn giáo trở thành chật hẹp, theo chủ nghĩa dân tộc và mang tính cách độc quyền. Thiên Chúa muốn cho Đền Thở trở thành một nhà cầu nguyện dành cho hết mọi người, nhưng người ta đã biến nó thành một nơi bảo vệ quyền lợi  cục bộ dành riêng cho dân Do thái. Ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do thái mà dành cho hết mọi người, cho hết mọi dân tộc.

 

Thứ đến, Ngài tấn công vào bản chất thờ phượng của ngưới Do thái. Với các lễ nghi và hiến tế súc vật, toàn bộ cách thờ phượng của Đền Thờ không còn phù hợp nữa, và không phải là cách đem con người đến với Thiên Chúa. Ngài muốn thay thế lối thờ phượng với cách hiến tế lễ vật bằng cách thờ phượng bằng tinh thần. Ngài muốn phá bỏ cách thức thờ phượng Thiên Chúa không phải bằng hình thức bên ngoài nhưng bằng tâm hồn. Việc thờ phượng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta nhiều việc phải làm, chứ không phải chỉ biết dâng lên Thiên Chúa các đồ vật hay trình diễn một số lễ nghi bên ngoài. Việc Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán, đổi chác cũng là cách Ngài muốn phá bỏ cách thờ phượng đã bị biến chất. Điều mà Thiên Chúa muốn hơn hết đó là thái độ thờ phượng trong tinh thần qua cuộc sống của chúng ta như có lần Chúa đã khiển trách : dân này thờ Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta.

 

Qua việc thanh tẩy Đền thờ, Chúa Giêsu cũng muốn cho mỗi người thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình cho xứng để cho Thiên Chúa ngự. Sống mùa chay, cũng là dịp cho chúng ta nhìn lại đền thờ tâm hồn mình để xem đền thờ ấy có xứng đáng cho Chúa ngự chưa hay lại trở thành một thứ chợ búa trưng bày đủ thứ  đam mê trần tục như  tham lam, ích kỷ, tự ái, kiêu căng, ghen ghét hận thù, chối bỏ thánh ý Thiên Chúa để chay theo ý tiêng?

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi