Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 5 TN - B: TẤT CẢ VÌ TÌNH YÊU

CN V TN / B

Bài đọc 1: (G 7:1-4,6-7)

Bài đọc 2: (1 Cr 9:16-19,22-23)

Tin Mừng: (Mc 1: 29-39)

 

Chúa Giêsu xuống thế gian làm người là để  loan báo Tin Mừng cứu độ, để xoa dịu, cất đi  cho con người cuộc sống bất an về tâm linh, những nỗi đau khổ về bệnh tật nơi tâm trí và thân xác. Vì thế, suốt ba năm giảng dạy, mỗi ngày làm việc của Ngài là một ngày tất bật từ sáng tới tối, hết tại hội đường lại lên núi ra biển, hết làng xã này lại đến làng xã khác vì những mục đích ấy.

 

Sau một ngày Sabát bận rộn với việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật ở hội đường,  nghe tin mẹ vợ ông Simon bị sốt nặng, Chúa Giêsu lại đến chữa lành cho bà. Dân chúng không buông tha. Chiều đến, người ta lại lũ lượt kéo đến nhà mẹ vợ ông Simon để được Ngài chữa bệnh. Sáng  sớm hôm sau, từ lúc trời còn tối mịt, Ngài lại bắt đầu một ngày làm việc bằng tìm đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Nhưng nào có yên! Môn đệ lại đi tìm Ngài:” Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Nhưng họ tìm Ngài để làm gì? Để muốn Ngài lưu lại với họ; nhưng Ngài đã bảo các môn đệ:” Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người ra đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.” (Mc.1: 35-39)

 

Thế là Thầy trò lại ra đi. Mỗi ngày của Chúa là một ngày ra đi hoạt động vì yêu thương! Tất cả vì tình yêu. Hai công việc chính yếu của một ngày làm việc của Chúa là cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Hai công việc ấy không thể tách rời.

 

Việc đầu tiên là cầu nguyện. Dầu cho bận rộn đến đâu, Chúa Giêsu vẫn dành một ít thời giờ cho bản thân mình.”Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một noi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” Cầu nguyện đối với Chúa không chỉ vì bổn phận mà còn vì nhu cầu. Ngài cần có những khoảng khắc trở về với chính mình để tỏ lòng yêu thương, sống kết hợp và tâm sự với Cha mình trong tâm tình cha con. Chính trong những giây phút sống thân mật bên Cha mình mà Ngài có thêm sức mạnh, được sự nâng đỡ, được cảm thông để hoàn thành sự vụ Chúa Cha giao phó. Chính nơi hoang vắng, Chúa Giêsu đã tìm được mối tương quan yêu thương với Chúa Cha. Cầu nguyện đối với Chúa Giêsu là sự kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm.

 

Qua sự kết hợp với Chúa Cha trong yêu thương, Chúa Giêsu lại mang sự yêu thương ấy đến với con người qua công việc truyền giáo: rao giảng Tin Mừng, chữa lành tật bệnh về thân xác và tâm hồn.

 

Chúa Giêsu ra đi đến với những người đáng thương, những người đang đau khổ về thể xác và tâm linh, với những người bất an trong cuộc sống. Rao giảng Tin Mừng, chữa lành những người bị tật bệnh, xua đuổi quỷ, tất cả những hành động ấy đã nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Ngài không xa cách với nỗi khổ của con người. Ngài chữa lành cho từng người một, không chối từ ai. Ngài trở nên hoàn toàn bén nhạy trước những người bị thương tích và đau yếu.

 

Chúa Giêsu không tự cô lập mình khỏi đau khổ của nhân loại. Ngài không khuyên người ta rán chịu đựng đau khổ. Ngài không thích thấy người đau khổ. Đau khổ là là một trong những sự dữ mà Ngài đến để cất bỏ nó đi. Ngài xua đuổi những sự dữ do tội lỗi, những thất vọng, sợ hãi ràng buộc con người. Qua việc rao giảng Tin mừng, chữa lành các tật bệnh, bị quỷ ám, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.

 

Sứ vụ của người tông đồ của Chúa cũng phải theo gương Thầy Chí Thánh bằng hai công việc chính yếu là cầu nguyện và ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.

 

Quá bận rộn với những lo toan cho cuộc sống, chúng ta không còn một chút rảnh rỗi nào cho bản thân. Gương làm việc trong sự kết hợp với cầu nguyện của một người nông dân xứ Ars cũng đáng cho chúng ta học theo trong cuộc sống quá bận rộn và lo toan: Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước lúc ra đồng, đều ghé vào đứng ở cuối nhà thờ cầu nguyện một lát rồi mới đi cày. Khi trở về ông cũng ghé vào cầu nguyện như vậy. Ai cũng để ý và cảm phục ông. Một hôm có người hỏi:”Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì vậy?” Lão nông dân trả lời cách đơn sơ mà đầy ý nghĩa:”Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi.”  Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết cầu nguyện.” Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ luận lý. Đừng nạn óc bóp trán để trình bày với Chúa” (ĐHV 142)

 

Chúng ta không có khả năng chữa lành, nhưng có khả năng chăm sóc người khác, có khả năng cho kẻ đói ăn, cho kẻ khác uống, cho kể rách rưới ăn mặc...Những công việc ấy cũng có khả năng chữ lành khi chúng biểu lộ tình thương nhân bản trong tình thương của Thiên Chúa. Đối với chính bản thân mỗi người, đau khổ là tình trạng chung của con người. Chính Chúa Giêsu cũng đã đi trên con đường ấy để giải cứu con người và Ngài đã đi cho đến cùng. Như thế, với người Kitô hữu, đau khổ trở thành một cơ hội để chia sẻ với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong niềm hy vọng được chia sẻ trong vinh quang Phục Sinh của Ngài.” Tôi đã trở nên yếu đuối với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” ( 1Cr 9:22-23)

 

Khi chúng ta đi rao giảng Tin Mừng mà không nhắm đến mục đích vì Chúa vì anh em là chúng ta rao giảng vì chính mình. Đó là chứng bệnh phô trương cá nhân.  Từ căn bệnh phô trương cá nhân ấy lại nẩy sinh nhiều căn bệnh khác như bệnh phô trương thành tích, bệnh tạo phe nhóm bằng cách hạ bệ người khác, bệnh tự cho mình là người quan trọng, bệnh vun vén lợi ích cá nhân, bệnh muốn được nhiều người tôn vinh.Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô:” Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công, còn nếu tôi không tự ý, thì đó là nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”(1 Cr 9: 16-17)

 

Ngày xưa, các môn đệ đem dân chúng đến với Chúa:” Mọi người đang tìm Thầy đấy!”  Ngày nay truyền giáo là chúng ta đem Chúa và Tin Mừng của Ngài đến với mọi người, mọi nơi như mối bận tâm Ngài đã thao thức:” Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Sứ vụ loan truyền Tin Mừng của chúng ta hôm nay cũng thế: Phải sống kết hợp với Chúa bằng cầu nguyện và ra đi không ngừng nghỉ.


 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi