Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 3 TN - B: CUỘC CÁCH MẠNG ĐỔI ĐỜI

CN III TN / B

Bài đọc 1 : ( Gn 3:1-5,10)

Bài đọc 2 : ( 1Cr 7:29-31)

Tin Mừng : ( Mc  1:14-20)

 

Bước vào cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu là người có nhiệm vụ khai mở một thời kỳ mới, một triều đại mới của Thiên Chúa. Ngài đã tuyên bố: “ Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Thời kỳ chuẩn bị của Cựu Ước đã mãn. Đó là thời kỳ con người sống theo tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Chúa Giêsu là người khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ Tân Ước, thời kỳ của Triều Đại Thiên Chúa, một triều đại đã đến gần.

 

Cuộc chuyển đổi thời kỳ ấy là một cuộc cách mạng đòi hỏi con người phải rủ bỏ nếp sống cũ để bước vào một nếp sống mới, thay đổi con người cũ để mặc lấy con người mới. Rượu mới phải có bình mới

 

Tổ chức cách mạng lên đường bằng khẩu hiệu : “Anh em hãy sám hối và và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng là những điều kiện tiên quyết để đi vào cuộc cách mạng đổi đời ấy. Sám hối để được tha thứ và tin vào Tin Mừng để được  cứu độ. Hai công việc ấy phải liên kết với nhau. Đó là hai mặt tích cực và tiêu cực của một vấn đề.

 

Công việc đầu tiên là kêu gọi sám hối. Sám hối là nhận ra mình là kẻ tội lỗi, bất toàn, và từ đó ăn năn sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Sống trong tình trạng của tội lỗi, của đam mê, con người khó nhận ra thực trạng của tâm hồn mình. Muốn sám hối, con người cần phải thành thực nhìn lại thực trạng của mình, cần phải tỉnh táo nhìn rõ bản chất của mình.

 

Bước kế tiếp sau khi nhận ra những sai lỗi, là sám hối. Sám hối suông cũng chưa giải quyết được gì, mà phải hối hận ăn năn, tích cực sửa đổi tâm hồn. Sám hối mà không dứt bỏ những nếp sống cũ thì cũng chỉ là sám hối suông. Sám hối đòi hỏi chúng ta tích cực dứt bỏ cái cũ để cho cái mới nẩy sinh, dứt bỏ những nếp sống cũ không phù hợp với đòi hỏi của con người mới, tinh thần mới. Sám hối phải dẫn chúng ta đến một hoạt động tích cực là tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là chân lý, là lẽ sống mới trong Triều Đại của Thiên Chúa. Không thể bước vào Triều đại ấy nếu không sám hối và tin vào Tin Mừng.

 

Chúa đã nói chỉ những người bệnh mới cần thầy thuốc. Người lành mạnh thì  không. Cũng thế, người có tội mới cần sám hối, người tốt lành không cần. Nhưng ai là người có thể khẳng định mình là người không có bệnh gì để khỏi phải đi đến bác sĩ để chữa trị? Ai là người tự nhận biết biết mình là người tốt lành để không cần sám hối ăn năn?

 

Trước khi có hành động sám hối, con người phải quay lại với mình để nhận ra nơi mình có những gì phải sám hối hay hối cải. Hành động sám hối bắt đầu từ việc bản thân ý thức được những  gì không tốt hoặc sai trái nơi bản thân mình. Chúng ta phải có tinh thần cởi mở, chân thành, khiêm tốn, can đảm đối diện với thực trạng của mình. Con người có thể trở nên kiên định hay cố chấp trong lối sống của mình; do đó khó nhận ra những sai lỗi đế sám hối hoán cải. Người thành tâm sám hối cũng là người nhận ra mục đích của sự sám hối. Sám hối để trở thành một con người mới tốt đẹp hơn cho một triều đại mới.

 

Vậy thì lời kêu gọi của Chúa : Hãy sám hối cũng chỉ áp dụng cho người tội lỗi, còn những ai tốt lành thì lời kêu gọi ấy chẳng cần thiết. Nhưng ai là kẻ tốt lành không phạm sai lầm? không cần sám hối? Người tự cho mình là người hoàn hảo thì khó hoán cải sám hối. Nhưng với những ai thành tâm tự nhận biết mình yếu đuối và tội lỗi thì không ai dám khẳng định mình là người vô tội, tốt lành. Người nhận biết yếu hèn tội lỗi mới cần sự sám hối ăn năn. Chính sự sám hối ăn năn đã đánh động lòng thương xót của Thiên Chúa và Ngài luôn tha thứ cho những ai có lòng sám hối ăn năn.

 

Một hôm Satan đến kêu trách Thiên Chúa rằng: “Chúa thật bất công! Bằng chứng là có rất nhiều người phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn thường hay tha thứ cho chúng; rồi có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần trong cùng một thứ tội, mà khi  chúng ăn năn sám hối thì Ngài vẫn tha thứ cho chúng. Còn tôi, tôi chỉ phạm có một tội là không vâng lời Ngài duy nhất có một lần, thế mà Ngài đã kết án phạt tôi phải ở hỏa ngục đời đời, và không bao giờ tha tội cho tôi!”. Bấy giờ Chúa ôn tồn nói với tên quỷ kia rằng: “Sỡ dĩ Ta tha tội cho con cái loài người là vì chúng khiêm tốn biết nhận mình là kẻ có tội, và hồi tâm sám hối, quyết tâm canh tân đời sống. Còn ngươi, từ ngày ngươi phạm tội kiêu ngạo bất tuân lời Ta, chống lại Ta và bị phạt trong hỏa ngục cho đến  nay, đã có bao giờ người khiêm nhường nhận lỗi và sám hối để xin Ta tha thứ cho ngươi chưa?”

 

Ngược lại, dân thành Ninivê, một thành phố ngoại đạo, khi nghe ông Giôna công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” Tin vào Thiên Chúa, cả thành từ vua quan cho đến thứ dân đã ăn chay, mặc áo vải thô. Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô; vua còn ra sắc chỉ cho người và vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Ngài hối tiếc về tai họa Ngài đã tuyên bố sẽ giáng trên họ. Ngài đã không giáng xuống nữa.( xem Gn 3: 1-10)

 

Thiên Chúa là như thế đó! Ngài luôn thua cuộc, nhượng bộ trước sự thành tâm ăn năn và sám hối của tội nhân. Đó là lý do tại sao trước khi bước vào cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng ; đó là điều kiện để bước vào một Triều Đại mới. Triều Đại mới cần có con người mới.

 

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là lời Chúa kêu gọi chúng ta làm một cuộc cách mạng đổi đời, một cuộc cách mạng đòi hỏi chúng ta từ bỏ nếp sống cũ, con người cũ để tiếp nhận nếp sống mới, con người mới. Triều Đại ấy đã đến gần. Không còn thời gian để mà ngồi đó chần chừ, đắn đo suy tính mà phải làm ngay, làm liền. Nghe tiếng Chúa gọi, các môn đệ đã nhanh chóng đáp lời.

 

Những người mau mắn đáp lại tiếng gọi cho cuộc cách mạng đổi đời của Chúa là ông Simon và anh là Andrê. Họ đã lập tức bỏ chài lưới mà đi theo tiếng gọi cách mạng khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Rồi ông Giacôbê và em là Gioan đang vá lưới trên thuyền, nghe Chúa Giêsu gọi, cũng bỏ lại cha ở trên thuyền mà đi theo Ngài. Nhân sự cho cuộc cách mạng đổi đời ấy không ai khác hơn là những người chài lưới chất phát, ít học, nhưng lại là những người nhiệt tình đáp lại tiếng gọi. Họ sẽ là những người lưới người như lưới cá.

 

Ngày nay, chúng ta vẫn được Chúa kêu gọi tiếp tục cộng tác với Ngài trong công việc xây dựng Triều Đại của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đáp lại tiếng gọi ấy như thế nào?

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi