Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM B: LỄ RA MẮT ĐẤNG MÊSIA

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Bài đọc 1: (Is 42: 1-4.6-7)

Bài đọc 2: (Cv 10:34-38)

Tin Mừng: (Mc 1: 6b-11)



Năm 12 tuổi, Trẻ Giêsu bị lạc mất trong đền thờ khiến thánh Giuse và Mẹ Maria đã vất vả đi tìm. Khi tìm được, Mẹ Ngài đã trách: “ Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con không thấy cha con và mẹ con đây phải cực lòng tìm con!” Nhưng Trẻ Giêsu đã trả lời: “ Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”( Lc 2: 48-49)  Sau đó Trẻ Giêsu trở về Nadarét và hằng vâng phục cha mẹ. Suốt ba mươi năm sống tại Nadarét, Phúc âm thánh Luca chỉ ghi được có một lời ấy để rồi im lặng như đi vào quên lãng. Trong suốt khoảng thời gian đó, thánh Luca đã  ghi nhận thêm về Trẻ Giêsu: “ Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” và “ được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2:40,52)

 

Suốt ba mươi năm sống ẩn dật tại Nadarét, dường như người ta không còn quan tâm gì đến chàng Giêsu. Ngôi sao lạ xuất hiện bên phương Đông tiên báo cho các nhà chiêm tinh về một vua Do tái nào đó cũng đi vào quên lãng. Dân Do thái có lẽ cũng cho rằng một hài nhi nào đó được coi là vua Do thái chắc cũng chẳng còn sống sót dưới bàn tay độc ác của Hêrôđê. Thời gian 30 năm sống ẩn dật  tại Nadaret là thời gian chàng Giêsu thực hiện bổn phận làm con trong một gia đình Nadarét đơn sơ khó nghèo. Từ lúc mới sinh ra cho đến tuổi 30 , chàng thanh  niên Giêsu đã chu toàn bổn phận làm con đối với Thiên Chúa và đối với cha mẹ với tư cách một con người như bao con người khác. Ngài cũng chịu phép cắt bì, cũng làm lễ đặt tên, cũng được cung hiến vào đền thờ, cũng thực hành tất cả những luật của Môsê. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan cũng nói lên khía cạnh làm người của Ngài.

 

Tam thập nhi lập. Tuổi 30  là thời gian chín mùi cho một chàng trai lên đường làm sự nghiệp. Chúa Giêsu phải mất 30 năm để đạt đến mức trưởng thành và đạt được sự khôn ngoan. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng việc chịu phép rửa của ông Gioan.

 

Khi thấy ông Gioan từ chối không chịu làm phép rửa cho mình, Chúa Giêsu cũng đã nói: “ Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. “( Mt 3:15), tức là chu toàn những luật lệ Thiên Chúa đã truyền cho Môsê. Việc chịu phép rửa là để minh chứng rằng Chúa Giêsu chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa như bao nhiêu người Do thái khác. Nhưng qua sự việc Chúa Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan có một ý nghĩa quan trọng hơn, đó là dịp Chúa Cha giới thiệu cho loài người biết Đấng chịu phép rửa của Gioan là ai.

 

 “Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến,và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “ Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” ( Mc 1:9-11)

 

Khi từ dưới dòng sông bước lên, sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán ra: “ Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh Con.”( Lc 3: 22b). Ở đây, thánh Luca và thánh Maccô đều ghi lại lời nói của Chúa Cha như một lời tuyên dương trực tiếp người Con của Ngài. Chính hôm nay , Chúa Cha cũng gián tiếp tuyên bố với loài người rằng Chúa Giêsu là Đấng Ngài đã sinh ra, là Con yêu dấu của Ngài. Còn thánh Mathêu, lại ghi lại lời của Chúa Cha phán ra bằng ngôi thứ Ba, như một lời giới thiệu với nhân loại: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” ( Mt. 3:17)

 

Trước khi Chúa Cha chính thức giới thiệu với nhân loại người Con yêu dấu của Ngài, ông Gioan Tẩy giả đã giới thiệu với dân chúng: “ Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có một Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Cửa trời mở ra chứng tỏ một mối liên hệ thân thiết và chặt chẽ giữa Chúa Cha và người Con yêu dấu của Ngài qua mối giây liên kết với Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên người Con Yêu Dấu.

 

Chúa Giêsu chịu phép rửa: một cuộc tấn phong chính thức về Đấng Mêsia. Một lễ ra mắt Đấng Cứu Thế bắt đầu nhiệm vụ của mình. “ Thiên Chúa đã  dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài.” ( Cv.10:38)

 

Phép rửa mà Chúa Giêsu nhận từ ông Gioan cho chúng ta thấy Ngài muốn đứng về phía tội nhân , muốn hòa mình với thân phận tội lỗi của con người. Ngài đứng về phía tội nhân để từ đó  yêu thương bằng chia sẻ thân phận yếu hèn của họ. Ngài xuống thế mang xác phàm con người không phải để sống cách biệt với con người, nhưng là để hòa đồng  với con người. Khi dìm mình dưới dòng sông là lúc Ngài muốn hòa nhập vào thế giới của tội nhân để từ đó đi lên để cứu vớt nhân loại. Ngài muốn liên đới với con người trong nỗi khốn cùng và sự yếu hèn của con người. Một nghi thức ám chỉ về tư cách làm người của con Thiên Chúa.

 

Ngay từ khi nhập thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mang thân xác yếu hèn, thì khi bước vào giai đoạn công khai rao giảng Tin Mừng với tư cách của một Đấng Mêsia, Ngài lại khiêm nhường  chấp nhận hòa dồng với thân phận tội lỗi của con người. Ngài vâng phục thánh ý Chúa Cha như một người tôi tớ của Chúa Cha như ngôn sứ Isaia đã viết : “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” ( Is 42: 1)

 

Chúa Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan, như là đánh dấu cho một giai đoạn mới: giai đoạn chính thức xuất đầu lộ diện để loan báo Tin Mừng cho mọi người, giai đoạn thực hiện chương trình cứu chuộc với tư cách là Con Thiên Chúa, với tư cách là Đấng Mêsia.

 

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong và khi Ngài đang cầu nguyện thì, thì tầng trời,  vì tội lỗi của Adam  đã bị đóng lại, thì nay nhờ Người Con Yêu Dấu mà tầng trời lại được mở ra, mở đầu cho một giai đoạn mới, một thế giới mới.

 

Khi chúng ta nhận phép Thanh Tẩy, Thiên Chúa cũng tái xác định chúng ta là con cái Thiên Chúa, được đi vào đời sống nghĩa tử của Thiên Chúa với Chúa Giêsu là trưởng tử, cũng được làm con cái của Ngài theo các riêng của mình và cũng được nhận Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô. Ngài là Đầu và chúng ta là những chi thể của thân thể ấy và được tham dự vào những chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả như Chúa Giêsu.

 

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây cũng là dịp để chúng ta, những người Kitô hữu ý thức về bổn phận và trách nhiệm làm con cái Thiên Chúa qua bí tích Thanh Tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc cộng tác với Chúa Giêsu trong việc loan báo Tin Mừng Nước Trời trong cuộc sống của chúng ta bằng lắng nghe, tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa và thực hành thánh ý Ngài trong cuộc sông của mình giữa lòng thế giới.

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi