Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 4 MV - NĂM B: TỪ NGẠC NHIÊN ĐẾN XIN VÂNG

CN IV MV / B

Bài đọc 1: (2 Sm 7: 1-5, 8-11,16)

Bài đọc 2: (Rm 16: 25-27)

Tin Mừng: (Lc 1: 26-38)

 

Chúa nhật thứ III mùa Vọng, chúng ta được giới thiệu một nhân vật từ hoang địa ra đi để dọn đường cho Chúa đến, đó là Gioan Tiền Hô, là tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường cho thẳng để Đức Chúa đi. Hôm nay, Chúa nhật cuối mùa Vọng, chúng lại được giới thiệu một nhận vật có tính cách quyết định cho chương trình cứu chuộc con người, đó là Trinh Nữ Maria.

 

Vua Đavít đã chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước. Ông đang thống trị Israen. Ông biến Giêrusalem thành thủ đô và ông xây lâu đài ở đó. Nghĩ đến những ơn huệ của Chúa Thượng đã ban cho ông và cho dân của ông, ông cảm thấy áy náy và đã thổ lộ với ngôn sứ Nathan: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” Nathan thưa với vua: “Những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.” Nhưng ngay đêm hôm đó, Đức Chúa đã phán với Đavít qua ông Nathan rằng: “Ngươi mà xây nhà cho Ta sao?”

 

Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu ở khắp mọi nơi, hết đời nọ đến đời kia; nhưng con người lại muốn cầm chân Ngài lại, muốn giới hạn quyền năng của Ngài. Ngài sẽ mãi mãi hiện diện và đồng hành với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Và Đức Chúa đã chứng minh cho vua Đavít thấy: “Từ ngày Ta đưa con cái Israen lên Aicập cho đến ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm.”

 

Và sau khi kể cho vua Đavít thấy Ngài đã hiện diện và đồng hành với ông và dân Israen thế nào trong quá khứ, Ngài lại cho ông biết: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta là Cha; đối với Ta, nó là con.” (xem 2 Sm 7: 1-13)

 

Lời tiên báo ấy lại trùng hợp với lời sứ thần truyền tin cho Trinh Nữ Maria: “Thưa bà Maria. Xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.(Lc. 1: 30-33)

 

Trong cuộc đối  thoại với sứ thần,Trinh Nữ Maria chỉ nói hai câu:”Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng.” và câu nói thứ hai: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi như sứ thần nói.” Với hai câu nói trên, Trinh Nữ Maria đã đi từ ngạc nhiên bối rối đến ưng thuận xin vâng.

 

Điểm ngạc nhiên bối rối thứ nhất là được sứ thần Thiên Chúa ghé nhà. Điểm ngạc nhiên thứ hai là Trinh Nữ Maria biết mình cũng chỉ là một thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác ở một vùng quê héo lánh; thế mà sứ thần lại  nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Ngạc nhiên và bối rối, Trinh Nữ đã tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa gì. Điểm ngạc nhiên thứ ba là sứ thần cho biết: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao...” Chính điểm ngạc nhiên thứ ba này càng làm cho Trinh Nữ Maria ngạc nhiên và bối rối hơn nữa và cảm thấy có một điều gì đó vượt quá thực trạng của mình, nên Trinh nữ đã lên tiếng hỏi: “Việc ấy sẽ xảy cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

 

Trinh nữ không nghi ngờ, thắc mắc, nhưng chỉ muốn biết sự việc sẽ được thực hiện bằng cách nào. Có hai lý do để Trinh Nữ Maria ngạc nhiên: lý do thứ nhất là Trinh Nữ đã quyết giữ cuộc sống đồng trinh để phụng sự Thiên Chúa; lý do thứ hai là Trinh Nữ mới chỉ là người đính hôn với Giuse, không biết đến chuyện vợ chồng.  Thế thì làm sao có thể thụ thai và sinh con được? Đó là suy luận bình thường của con người. Trước những biến cố trong cuộc sống, chúng ta phải biết ngạc nhiên để đặt vấn đề. Những gì trái với thường tình mới gây cho chúng ta ngạc nhiên: tại sao, vì đâu? Mẹ Maria cũng ngạc nhiên khi nghe sứ thần nói: bà sẽ thụ thai và sinh con.  Đó là thắc mắc hợp lý.

 

Trinh Nữ Maria, khi nghe sứ thần truyền tin, Trinh Nữ không xin một dấu chỉ để làm sáng tỏ sự bối rối ngạc nhiên của mình, nhưng xin làm sáng tỏ cách thức Thiên Chúa thực hiện nơi Trinh Nữ.

 

Sứ thần liền cho Trinh Nữ biết cách Thiên Chúa hành động: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa...” Để minh chứng quyền năng của Thiên Chúa, sứ thần đã nêu lên trường hợp bà Elisabeth, tuy tuổi già, nhưng đã mang thai một con trai được sáu tháng; và sứ thần khẳng định: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. “Nghe thế, Trinh Nữ đã mau mắn xin vâng theo ý muốn của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi như sứ thần nói.” Đó là câu nói thứ hai của Trinh Nữ Maria.

 

Chương trình và kế hoạch cứu chuộc loài người của Thiên Chúa đã được thực hiện khi Trinh Nữ Maria nói lời ưng thuận.

 

Qua lời ưng thuận, Mẹ Maria đã bộc lộ sự khiêm nhường của mình và sự tuân phục thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ tự nhận biết mình là một nữ tỳ của Chúa và sẵn sàng để Thiên Chúa hành động theo ý của Ngài, dù không biết ý định của Ngài sẽ dẫn Mẹ đến đâu; nhưng trong niềm tin, lòng mến và sự tuân phục, Mẹ đã thưa xin vâng.

 

Thiên Chúa đã có thể đặt Mẹ Maria trước một sự việc đã rồi và chỉ cần sai thiên sứ đến báo tin rằng Mẹ đã thụ thai bởi Thánh Thần; nhưng Thiên Chúa không làm như thế. Ngài muốn có sự tự do ưng thuận của Mẹ Maria trong chương trình cứu chuộc loài người, không những vì lòng tôn trọng nhân vị của Mẹ Maria, mà còn để làm cho Mẹ trở nên người cộng tác với Ngài bằng sự chấp thuận ý thức và tình nguyện. Một tiếng “Xin vâng” mang tính cách phó thác, dấn thân vào công trình hoàn toàn mới lạ và vượt trên mọi dự đoán của con người. Qua tiếng “xin vâng”, Mẹ Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người trước khi đón nhận Ngài nơi cung lòng của mình.

 

Như Mẹ Maria, chúng ta cũng phải biết lắng nghe và đón nhận lời Thiên Chúa, biết nhận ra những dấu chỉ của Ngài trong cuộc sống của mình, và như thế, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành những cộng tác viên của Ngài.

 

Mục đích của mùa Vọng không phải chỉ để dẫn đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh, vì Chúa Cứu Thế đã giáng sinh hơn hai ngàn năm rồi; nhưng mùa Vọng vẫn lấy lễ Giáng Sinh làm điểm tựa để mỗi người chúng ta hướng về tương lai, hướng về ngày quang lâm.

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi