Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 3 MV - NĂM B: CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM VUI

 
CN III MV / B
Bài đọc 1: (Is 61: 1-2,10-11)
Bài đọc 2: (1 Tx 5: 16-24) 
Tin Mừng: (Ga 1: 6-8, 19-28)
 

Trong phần Lời tựa cuốn Tin Mừng của mình, thánh Gioan đã viết: “Người ở thế gian, và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”(Ga. 1:10-12). Và Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, từ trong hoang địa  ra đi như “một tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” cũng đã xác định: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”(Ga. 1: 26b).  
 
Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu. Suốt lịch sử cứu độ, vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, bảo vệ và sát cánh với dân Ngài qua các tiên tri và ngôn sứ; thế nhưng dân Ngài vẫn có lúc quay lưng lại với Ngài để xây tháp Baben, để đúc bò vàng mà bái lạy. Hài Nhi Giêsu giáng thế là Con Thiên Chúa, Đấng Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta, thế mà khi nghe ba vua từ phương Đông đến  hỏi: Vua dân Do Thái sinh ra ở đâu, thì họ lại tìm cách tiêu diệt những trẻ em từ hai tuổi trở xuống;rồi suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, chẳng những người ta không chấp nhận Đấng Cứu Thế mà còn chống đối và tìm cách tiêu diệt Ngài bằng án tử hình đóng đinh trên thập giá. 
 
Ngày xưa, Chúa Kitô hiện diện với dân ngài bằng xương bằng thịt mà dân Ngài đã không chấp nhận Ngài còn kết án Ngài phải chết trên thánh giá, thì ngày nay Chúa chỉ còn hiện diện với con người bằng niềm tin. Ngài vẫn hiện diện với con người hôm nay qua Bí Tích Thánh Thể, qua việc lắng nghe, học hỏi lời Ngài, qua Giáo Hội nơi Ngài hiện diện bằng chính những hoạt động không ngừng của Chúa Thánh Thần, qua những biến cố của lịch sử. Ngài còn đồng hóa mình với những người anh em nghèo đói khốn khổ như Ngài đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt. 25: 40)  Sự hiện diện ấy càng trở nên bấp bênh khi con người tự cho mình là chúa tể mọi sự và chối từ Ngài bằng những chủ nghĩa vô thần, duy vật, duy khoa học hay những chủ thuyết khác nữa. Con người có khuynh hướng từ chối sự can thiệp của Thiên Chúa khi được ấm no, hạnh phúc, nhưng chỉ cậy nhờ đến Ngài khi bất lực trước những khó khăn gian khổ!
 
Cũng như Gioan Tẩy giả, chúng ta cũng được Chúa Giêsu ủy thác sứ vụ làm chứng nhân cho Ngài qua các thời đại. Ngày  nhận phép Thánh Tẩy, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Thánh Thần để trở thành con cái Thiên Chúa và được sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người, ở khắp mọi nơi như lời Chúa đã ủy thác cho các môn dệ xưa kia và cho mỗi người Kitô hữu hôm nay: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ơ cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(Mt 28: 19-20)
 
Trước khi bước vào con đường công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa đã cử Gioan Tiền Hô từ trong hoang địa đi ra kêu gọi người ta sám hối, nhận phép rửa để trở về với Thiên Chúa: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1:6-7) Gioan là chứng nhân, là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Việc làm của Gioan ngày xưa vẫn còn là tấm gương cho chúng ta là những chứng nhân của Chúa Kitô hôm nay.
 
Là một người Kitô hữu, nếu có ai đó hỏi chúng ta: Kitô hữu, ngươi là ai? tương tự như câu hỏi của các tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông Gioan : Ông là ai?  thì chúng trả sẽ trả lời như thế nào?
 
Chúng ta có thể tự hào trả lời với những ai chất vấn rằng chúng ta tuân giữ các giới răn Chúa truyền, thực thi những gì Hội Tháng dạy; nhưng những việc làm ấy cũng chỉ đáp ứng những nhu cầu của cá nhân. Chúng ta chỉ mới làm chứng về mình mà chưa làm chứng về người mà chúng ta phải làm chứng. Trái lại, Gioan đã không nói gì về mình. Ông đả ba lần tuyên bố thẳng thắn: ông không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia, cũng không phải là một vị ngôn sứ nào khác, và ông tự xác nhận: ông chỉ là tiếng người hô trong hoang địa: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Ông không làm một thứ gì vì lợi ích cá nhân mình, nhưng tất cả vì Đấng  mà ông muốn là chứng. Người ta lại hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa?” Ông đã khiếm tốn nhận rằng: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” Và ông đã giới thiệu về nhân vật ấy: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Rõ ràng ông Gioan đã hạ mình xuống để tôn vinh người ông muốn làm chứng lên. Ông tự biết thân phận của ông đối với người ông làm chứng. 
 
Lời rao giảng chân thành, đi đôi với cuộc sống khổ hạnh và khiêm nhu, đã đáng cho mọi người khâm phục và tin theo. Gương chứng nhân của Gioan Tẩy Giả là khiêm nhường - sống khổ hạnh - trung thực có sao nói vậy - quên mình.
 
Để trở thành chứng nhân của Chúa Kitô, trước tiên chúng ta phải là chứng nhân của niềm tin, và từ chứng nhân của niềm tin, chúng ta trở thành chứng nhân của hành động  bằng thực hành những gì Chúa truyền dạy. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Guiđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1 : 8)
 
Chúa nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật mừng vui. Trên Vòng Lá Mùa Vọng, cây nến màu hồng được thắp sáng lên biểu tượng vui mừng và hy vọng về ngày Chúa đến lần thứ hai.
 
Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở nên những con người của niềm vui và đem niềm vui của Chúa đến cho người khác. Vì thế, mỗi người Kitô hữu phải là một Gioan Tiền Hô qua niềm tin, cách sống và hành động của mình để qua đó những người khác có thể gặp được Chúa Cứu Thế trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc. Mỗi người chúng ta phải là một ngọn đèn, một ngôi sao Giáng Sinh, một nhân chứng của ánh sáng. Noi gương Gioan Tiền Hô, hãy sống hết lòng với Chúa và do đó luôn thao thức làm cho người khác tìm gặp Chúa Giêsu và đón nhận ơn cứu độ của Ngài.
 
Sống Mùa Vọng là để tưởng nhớ ngày Chúa đến lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm để đem Tin Mừng Cứu độ, nhưng đồng thời cũng để nhắc nhớ mỗi người Kitô hữu chuẩn bị sẵn sàng và canh thức để đón Chúa đến trong cuộc sống của mỗi người và cho ngày quang lâm, để củng cố niềm tin trong vui mừng và hy vọng trong tinh thần tỉnh chức và sẵn sàng như lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy là như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô” (1 Tx 5: 16-18)
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi