Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 1 MV - NĂM B: PHẢI CANH THỨC

CN I  MV / B

Bài đọc 1 : ( Is 63:16-17;64: 1,3-8).

Bài đọc 2 : (1 Cr 1: 3-9).

Tin Mừng: ( Mc 13:33-37)

 

Có một câu chuyện kể rằng: Thấy tình trạng ở hỏa ngục có vẻ càng ngày càng suy giảm, quỉ sư phụ cho triệu tập các quỉ lại để bàn tính kế hoạch cho tương lai. Sau khi trình bày tình hình ở hoả ngục, quỉ sư phụ kết thúc : Cứ tình hình này, chả mấy chốc nữa, tụi mình sẽ hỏng ăn hết. Vậy đứa nào có sáng kiến gì hay ?

 

Sau một lúc im lặng, một quỉ giơ tay phát biểu: “Thưa sư phụ, em đề nghị chúng ta sẽ rỉ tai loài người rằng chỉ có thiên đàng, không có hỏa ngục. Như thế, chúng nó sẽ muốn làm gì thì làm tùy thích, không còn sợ phải xuống hỏa ngục.”

 

Quỉ sư phụ lên tiếng: “Không được! Chúng nó sẽ không bao giờ tin như thế đâu, vì ngay từ nhỏ chúng nó đã nghĩ đến thiên đàng và hỏa ngục.”

 

Rồi một quỉ khác phát biểu: “Thưa sư phụ, em đề nghị rỉ tai chúng nó rằng chỉ có hỏa ngục mà không có thiên đàng; như thế chúng nó sẽ mặc sức ăn chơi, trác táng, sẽ không còn cố gắng sống tốt lành làm gì nữa.”

 

Quỉ sư phụ phản bác: “Không được! Chúng nó sẽ không thèm tin như thế đâu, vì Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng nó niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.”

 

Sau cùng, một quỉ khác đứng lên phát biểu: “Thưa sư phụ, chúng ta sẽ thuyết phục bọn chúng rằng thực sự có thiên đàng và hỏa ngục, nhưng không cần gì phải vội vàng. Hãy cứ thong thả! Hãy cứ tà tà! Chẳng có gì phải gấp gáp!”

 

Nghe thế, quỉ sư phụ đứng lên: “Hay! Hay lắm! Tất cả bọn bay lập tức lên trần gian thi hành ngay kế hoạch đó.”

 

Để phá vỡ kế hoạch của Satan, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một phương thế là: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.”

 

Trong đoạn Tin Mừng của thánh Máccô (Mc 13: 33-37),Chúa Giêsu đã ba lần nhắc đi nhắc lại: phải canh thức.

 

Trước tiên Chúa Giêsu bảo: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.”Đó là lời cảnh tỉnh riêng cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta biết rằng không ai biết số phận của mình sẽ xảy đến lúc nào; cho nên chúng ta phải coi chừng và phải tỉnh thức. Hai công việc ấy chúng ta có thể gộp lại thành canh thức.

 

Tiếp đến, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức, Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Đây cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những thành phần trong Giáo Hội trần thế ý thức về ngày cánh chung của nhân loại.

 

Và lần thứ ba, như một lời truyền dạy cho  mỗi người Kitô hữu và cho cả Giáo hội có nhiệm vụ phải kêu gọi mọi người canh thức: “ Điều Thầy nói với anh em đây, cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức.”

 

Đầy tớ của người kia thì nhiều. Ông chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Đó cũng là nhiệm vụ của những thành phần trong Giáo hội, đặc biệt là người giữ cửa.

 

Chúng ta phải canh thức về cuộc sống riêng của mỗi người và cuộc sống của Giáo Hội cho đến ngày Chúa đến lần thứ hai. Nhưng canh thức là gì? Tại sao phải canh thức?

 

Canh thức là không sao nhãng mục đích vì thói quen nhàm chán. Canh thức là chú ý nghe ngóng trong đợi chờ và sẵn sàng. Canh thức là sống trong ánh sáng để khỏi rơi vào bóng tối là tội lỗi. Bóng tối là biểu hiện cho những gì không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là môi trường đem con người chống lại ánh sáng thức tỉnh của Thiên Chúa, là những thử thách, những cạm bẫy làm chúng ta sa chước cám dỗ như thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Rôma: “ Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng.”( Rm 13: 11-14)

 

Canh thức là ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng, tích cực hành động trong việc canh phòng kẻ trộm đến bất cứ lúc nào để bảo toàn gia sản của ông chủ đã giao, là hướng về cứu cánh.

 

Kẻ trộm luôn rình rập những lúc sơ hở, mất cảnh giác để hành động. Khi kẻ trộm đã đào được ngạch, khoét được vách thi tài sản của ông chủ sẽ bị tổn hại. Cũng thế, khi chúng ta sao nhãng, không canh thức là lúc chúng ta để cho kẻ thù là tội lỗi, đam mê xâm nhập để lấy đi những gì Thiên Chúa đã giao cho chúng ta gìn giữ, đó là đức tin. Chúng ta không còn là những đầy tớ trung thành và đáng  tin tưởng của ông chủ, khi chúng ta không bảo toàn được những gì ông chủ giao phó.

 

Phải canh thức vì không biết khi nào thời ấy đến, không biết khi nào chủ nhà trở lại, vì để bảo vệ gia sản tài sản ông chủ giao, vì đó là ý muốn, là mệnh lệnh của ông chủ. Thực hành ý muốn và mệnh lệnh của ông chủ chứng tỏ là những đầy tớ trung thành. Cuộc sống của mỗi người là sự giằng co giữa tốt và xấu , giữa thiện và ác, giữa “cái tôi muốn làm, tôi lại không làm, giữa cái không muốn làm, tôi lại làm”, đó chính là sự yếu đuối của con người; vì thế, để có thể làm theo ý Thiên Chúa và không theo dục vọng của con người thì buộc chúng ta phải coi chừng và tỉnh thức trong tinh thần tuân phục theo thánh ý Thiên Chúa.

 

Canh thức không phải bằng thái độ thụ động ngồi chờ, nhưng bằng thái độ chủ động sáng tạo, nghĩa là phải chiến đấu không ngừng với những thù địch để tồn tại và phát triển. Ông chủ đã tin tưởng phó thác tài sản của ông cho các đầy tớ, nhưng đầy tớ không chủ động trong công việc được giáo phó thì khác nào người đầy tớ nhận được một nén bạc, không làm sinh lời lại đem đi chôn!

 

Phải canh thức để đón chờ ngày Chúa quang lâm, ngày ông chủ trở về. Khi nào ông chủ trở về , khi nào Chúa Giêsu trở lại? Không ai biết. Có thể là “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.”

 

Chúng ta đang chờ đợi ngày Chúa đến lần thứ hai vào ngày cánh chung, và cũng đang chờ đời ngày Chúa đến với mỗi người chúng ta vào giờ chết. Cả hai thời điểm ấy không ai biết, vì thế chúng ta phải luôn sống trong trạng thái canh thức và sẵn sàng. Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta canh thức và cầu nguyện trong niềm vui và hy vọng.

 

Cuộc sống của mỗi người và của Giáo Hội hôm nay phải là một cuộc sống coi chừng và thức tỉnh chờ ông chủ trở về. Sống coi chừng và thức tỉnh hôm nay bằng ánh sánh đức tin và bằng vũ khí cầu nguyện sẽ là yếu tố quyết định cho cuộc sống mai sau.

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi