Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 31 TN - NĂM A: KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHÂN THẬT

CN XXXI  TN / A

Bài đọc 1: (Ml 1:14b. 2:2b.8-10)

Bài đọc 2: (1Tx 2:7-9,13)

Tin Mừng: (Mt:23:1-12)

 

Sau khi Chúa Giêsu vạch trần những hình thức giả hình, đạo đức giả của các kinh sư và người Pharisiêu, Chúa Giêsu khuyên dạy đám đông và các môn đệ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rápbi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (xem Mt, 23: 1-12)

 

Câu nói của Chúa: Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” xem ra không đúng với thực tế cuộc sống của con người! Người khoe khoang tự đắc vẫn thấy được người ta nể phục; ngược lại, người khiêm tốn chân thật lại cứ thấy bị chà đạp, chèn ép. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, là Đấng Tòn Năng, là Vua vũ trụ thì lại khác: Ai tuân phục Thiên Chúa sẽ được Ngài nhấc lên. Ai tôn mình lên và phủ nhận Thiên Chúa thì sẽ bị Ngài hạ xuống.

 

Trong gia đình Thiên Chúa, trong vương quốc của Ngài, chúng ta chỉ có một Cha là Thiên Chúa Cha, chỉ có một Thầy là Thầy Giêsu, chỉ có một vị thủ lãnh là Chúa Giêsu Kitô và tất cả chúng ta là anh em với nhau, là chi thể trong Thân Thể Đức Kitô; do đó, chúng ta không thể sống kiêu căng tự mãn về con người của mình mà phải sống khiêm nhường chân thật trong sự tuân phục Thiên Chúa. Sống hiền lành và khiêm nhường là noi gương Chúa Giêsu như lời Ngài đã dạy : “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.”

 

Hai biểu hiện tâm lý đối nghịch nhau: Chân thật với giả dối, khiêm nhường với kiêu ngạo.

 

Giả hình là dùng những hình thức phô trương bền ngoài để che giấu những thực chất bên trong. Đó là những người thiếu chân thật trong hành động và lời nói. Chúa Giêsu đã vạch trần những hình thức phô trương của họ: Họ làm mọi việc cốt để cho người ta thấy: nào đeo hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, thích được gọi là ‘rápbi’. Đó là những biểu hiện của người kiêu ngạo. Người ta thích dùng dáng vẻ bề ngoài để che giấu nội tâm, do đó chúng ta dễ bị đánh lừa là thế! Nhìn bên ngoài, chúng ta tưởng các kinh sư và người Pharisiêu là những người tốt lành, thánh thiện, nhưng thực chất bên trong họ lại là những người đạo đức giả, giả hình.

 

Người kiêu ngạo thích phô trương bản thân mình, ưa hạ bệ những ai hơn mình. Họ chưa thực sự khẳng định được khả năng của mình, và như thế làm cho họ ra mù quáng với chính bản thân mình. Người kiêu căng tự mãn đánh lừa thiên hạ bằng giả hình. Người kiêu ngạo đội lốt khiêm nhường lại đánh lừa người ta gấp hai lần.

 

Một chàng thanh niên muốn tầm sư học đạo. Anh đến gặp một vị thiền sư có tiếng rất thánh thiện nhưng cũng là một tay rất ma mãnh. Dĩ nhiên là chàng thanh niên không biết gì về chuyện này.

 

Vị thiền sư bảo anh: “Trước khi tôi nhận anh làm  môn đệ. Tôi muốn trắc nghiệm khả năng vâng lời của anh. Con sông chảy qua gần đây có rất nhiều cá sấu. Tôi muốn anh lội qua con sông ấy.”

 

Chàng thanh niên tin tưởng vị thiền sư đến nỗi anh không do dự thực hiện ngay yêu cầu ấy. Ra giữa dòng sông, anh vừa run vừa la: “Sức mạnh của thiền sư thật cao cả!” Tới bờ bên kia, anh lại trở về bờ bên này cách an toàn. Vị thiền sư không thể giấu vẻ sửng sốt.

 

Sự việc ấy làm cho vị thiền sư nghĩ rằng chắc chắn mình thánh thiện hơn mình vẫn tưởng. Vì thế, ông quyết định biểu diễn cho các môn đệ thấy sức mạnh của mình để củng cố thêm danh tiếng thánh thiện của mình. Ông bắt đầu bước xuống sông và hô thật to: “Sức mạnh của ta thật cao cả! Sức mạnh của ta thật cao cả!”

 

Ngay lập tức, lũ cá sấu nổi lên vồ lấy ông và xé xác ông ra tơi tả.

 

Trái lại người khiêm nhường là người tự biết giá trị bản thân mình, tôn trọng khả năng người khác, có tinh thần phục thiện. Người chân thật có sao nói vậy, lời nói đi đôi với việc làm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã nói: “Con người ngày nay không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những kẻ dám chứng thực những điều họ nói, cần những chứng nhân. Người chân thật không nói láo, không giả hình, không tự kiêu cho mình hơn kẻ khác, không phê bình chỉ trích. Thái độ phê bình chỉ trích đôi khi chỉ là cách che giấu những tật xấu nơi chính mình, ta phê bình chỉ trích kẻ khác chỉ vì ta không dám đối diện với sự thật nơi chính mình.”

 

Khiêm nhường không phải là nhu nhược, nhưng là nhìn ra đúng thực chất của mình và tự hào, tự trọng đúng với giá trị của mình như sách Huấn ca đãy dạy: “Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm tốn, và tự trọng đúng với giá trị của con” (Hc.10:28)

 

Chúa khuyên chúng ta học ở Ngài sự hiền lành và khiêm nhường, nhưng không phải sự hiền lành và khiêm nhường bên ngoài , nhưng ở trong lòng.

 

Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những người sử dụng tôn giáo để tạo quyền lực cho bản thân  mình, khi “Con người bắt đầu kiêu căng khi lìa xa Đức Chúa, khi lòng nó lìa xa Đấng Tạo Thành. Vì đầu mối của kiêu căng là tội lỗi, và kẻ quen thói kiêu căng thì rắc gieo ghê tởm; vì Đức Chúa đã gửi đến những gian truân, và tiêu diệt chúng hoàn toàn.” (Hc. 10:12)

 

Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Tất là vì tình thương của Thiên Chúa. Nếu phải khoe khoang, hãy khoe khoang trong Thiên Chúa. Người kiêu ngạo tự đắc là người cướp công của Thiên Chúa, lấy ân huệ của Thiên Chúa làm công trạng của mình, tự cho mình là người làm chủ cuộc sống mình. Người kiêu ngạo phủ nhận và quay mặt lại với ân nghĩa của Thiên Chúa, khép lòng lại với tha nhân mà chỉ biết đến mình, tìm mọi cách để phô trương cái tôi của mình. Ngược lại, người khiêm nhường lại là người nhận ra chân giá trị của mình, lấy khiêm hạ để đối xử với nhau, và nhận ra ân huệ của Thiên Chúa qua bàn tay uy quyền của Ngài.

 

Không ai trong chúng ta có thể sống mà đôi khi lại không vấp phải khuyết điểm là nói mà không làm; nhưng cũng từ đó, đòi hỏi mỗi người chúng ta sống chân thật với lòng mình, phải học với Chúa hiền lành và khiêm nhường để bước đi trong chân lý của Thiên Chúa. Nguyên nhân của rất nhiều lỗi lầm trong thế giới chúng ta cả tôn giáo lẫn chính trị là thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động: nói mà không làm.

 

Thánh Phêrô đã viết: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Ngài cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.” (1 Pr 5: 5-6). Đó cũng  là lời cảnh tỉnh đến người khiêm nhường và người kiêu ngạo vậy! Đừng quên lời Chúa dạy rằng: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi