Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 30 TN - NĂM A: YÊU THƯƠNG THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG

 CN XXX TN / A

Bài đọc 1: (Xh 22:20-26)

Bài đọc 2: (1Tx 1: 5-10)

Tin Mừng: (Mt 22:34-40)

 

 

Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisiêu họp lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “ Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”( Mt.22:34-4)

 

Mỗi người là một chủ thể yêu. Đối tượng yêu thì nhiều. Nhưng với người Kitô hữu, người tin Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Thiên Chúa tình yêu thì họ có hai đối tượng để yêu là Thiên Chúa và con người. Giới răn yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận là giới răn hàng đầu chi phối mọi giới răn khác, nhưng tùy theo đối tượng mà có những mức độ yêu thương khác nhau: Đối với Thiên Chúa, mức độ yêu thương phải là “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Mức độ ấy chỉ dành cho Thiên Chúa. Đối với người thân cận, với người anh em, thì mức độ yêu thương là yêu “như chính mình.” Chỉ có một tình yêu, nhưng có hai đối tượng và tùy đối tượng mà có mức độ yêu thương khác nhau: Hai trong một.

 

Hai đối tượng để yêu : Thiên Chúa và anh em, nhưng rốt cục thì hai đối tượng hợp lại thành một trong tình yêu. Không thể yêu Thiên Chúa mà không yêu anh em và không thể yêu anh em mà không yêu Thiên Chúa. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đồng hóa mình với con người: Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn, Ta khát, các người đã không cho uống..Mỗi  khi anh em làm cho những người bé mọn nhất, là anh em làm cho chính Ta.

 

Một anh lính đến thưa với sĩ quan chỉ huy: “Thưa sĩ quan, anh bạn tôi đã không trở về sau trận chiến đấu. Xin cho phép tôi trở lại để kiếm anh ta.”

Viên sĩ quan trả lời: “Không được. Tôi không muốn anh bỏ mạng vì một người đã chết.”

Thế nhưng anh lính vẫn ra đi. Một giờ sau, anh trở về, bị thương nặng, nhưng anh vẫn mang được xác của bạn anh về.

Viên sĩ quan đùng đùng nổi giận: “Tôi đã bảo anh là anh ta đã chết rồi. Bây giờ tôi lại sắp mất cả anh nữa. Có đáng phải xông vào chiến trận để lôi về một xác chết không?”

Người lính đang hấp hối trả lời: “Thưa sĩ quan, đáng chứ! Lúc tôi tìm thấy anh ta, anh vẫn còn sống. Anh ấy đã nói với tôi: “ Jack, mình biết chắc thế nào cậu cũng tới.”

 

Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta cách sống Tin Mừng cách trọn vẹn, đó là phải yêu mến Thiên Chúa và yêu mến đồng loại.

 

Thiên Chúa yêu chủ động yêu thương. Ngài đã yêu con người trước. Không đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, con người trở nên bạc tình, bạc nghĩa. Lãnh nhận tình yêu từ Thiên Chúa, con người được yêu thương mà không san sẻ tình yêu ấy cho tha nhân là ích kỷ, chưa giống hình ảnh Thiên Chúa. Yêu thương người thân cận là chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa, là thể hiện bản chất của Thiên Chúa nơi con người. Chia sẻ tình yêu với tha nhân là chúng ta trở thành con cái, trở thành môn đệ của Chúa, nên giống Chúa. Tình yêu đòi hỏi chia sẻ tình yêu. Tình yêu đòi hỏi trao ban, hy sinh hiến tế vì người mình yêu như Chúa Giêsu đã làm.

 

Yêu thương Thiên Chúa mà không yêu thương anh em là tình yêu vị kỷ, tình yêu không được đáp trả bằng tình yêu. Yêu thương Thiên Chúa thật lòng hết linh hồn hết trí khôn thúc đẩy chúng ta hành động yêu thương, san sẻ, trao ban tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta loan tỏa đến anh em để anh em cùng được đón nhận và sống tình yêu Thiên không bằng con đường nào khác ngoài con đường truyền giáo.

 

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ tại Galilê và truyền cho  các ông: “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân gữ mọi điều Thầy dã truyền cho anh em.” ( Mt 28: 19-20)

 

Nhưng chúng ta làm chứng tá, giới thiệu, rao giảng Tin Mừng bằng các nào?  Không bằng những lời nói suông, không với tư cách một người mô phạm, dạy đời, nói mà không làm, nhưng bằng chính gương sống, bằng tiếp xúc yêu thương, bằng cách thăng tiến, cải thiện đời sống, phải trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho thế gian như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (xem Mt 5: 14-16).  Muối phải mặn, ánh sáng phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.

 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II, trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ vã viết: “ Hình thức đầu tiên của chứng tá là đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo hội, hình thức này làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có giới hạn và bất toàn của con người, nhưng khi nhà truyền giáo chân thành sống theo gương Đức Kitô, thì họ sẽ là dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt. Tuy vậy,mọi người trong Giáo hội, khi nổ lực noi gương Thầy Chí Thánh, thì có thể và phải nêu lên chứng tá này; trong rất nhiều trường hợp, đây là cách thế duy nhất để truyền giáo.” (số 42)

 

Truyền giáo bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội, là sứ vụ của mọi người giáo dân. Trong thông điệp "khánh nhật truyền giáo 2006", Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 đã viết: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".

 

Mẹ Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng mình và đã đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian. Sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu, người môn đệ của Thiên Chúa là đem Tin Vui cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người đến khắp mọi nơi như lời Chúa Giêsu đã truyền: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8)

 

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo.

 

Bốn phương cách truyền giáo của Mẹ Têrêxa Calcutta là: Cầu nguyện - Thấm nhuần Lời Chúa - Yêu mến người nghèo – và Phục vụ bằng tin yêu.

 

Là chứng nhân cho Tin Mừng, cho tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải mạnh trong Tin và Yêu. Tin yêu thúc đẩy chúng ta hành động truyền giáo. Truyền giáo bằng chứng tá đời sống đức tin và ra đi từ lòng mến Chúa yêu người để trở thành chứng nhân trong sự hiệp nhất, yêu thương.

 

Đón nhận được tình yêu Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ mà không trao ban cho người khác là ích kỷ, hẹp hòi! 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi