Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 26 TN - NĂM A: NGÔN HÀNH BẤT NHẤT


CN XXVI TN/ A

 

Bài đọc 1 : ( Ed. 18: 25-28).

Bài đọc 2 : ( Pl. 2:1-11).

Tin Mừng : ( Mt. 21:28-32)

 

NGÔN HÀNH BẤT NHẤT

 

Chúa Giêsu vào Đền thờ để giảng dạy. Các thượng tế và kỳ mục đến gần Ngài và hỏi: “ Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của họ, nhưng đã đưa ra một  điều kiện đòi các ông trả lời câu hỏi của Ngài trước khi Ngài trả lời câu hỏi của họ: “ Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? Họ trả lời: “ Chúng tôi không biết.” Và Ngài đã nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” Nhưng Ngài đưa ra một dụ ngôn về Hai Người Con:

 

“ Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “ Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “ Thưa Ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

 

Người cha đã âu yếm, thân tình, nhỏ nhẹ nói với hai con ông:  “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Công việc chăm lo vườn nho là trách nhiệm của các con. Không cần phải chờ cha yêu cầu. Nhưng cách đối xử của người cha lại khác. Ông không lấy quyền làm cha để ra lệnh cho hai con ông phải làm theo ý mình, nhưng ông để cho hai con ông tự do lư chọn: hoặc đi hoặc không.

 

Khi nghe ý muốn của cha: hôm nay con hãy đi làm vườn nho, người con thứ nhất đã trả lời:“ Con không muốn đâu!” Một câu trả lời có vẻ hỗn xược, bất kính với người cha. Anh tôn trọng ý riêng của anh hơn vâng theo ý của cha. Anh còn nhiều sở thích, còn nhiều đam mê cần thỏa mãn! Đó cũng là lời chối từ của những người không chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, lấy ý riêng của mình để sống và hành động. Nhưng, sau đó, người con thứ nhất hối hận, lại đi làm vườn nho cho cha. Chúa Giêsu ám chỉ người con thứ nhất là những người thu thuế và những cô gái điếm. Sự hối hận của những người trước đó đã không nhận biết Thiên Chúa, nay nhờ hồng ân của Thiên Chúa đã nhận biết, đã tin và đã đi làm vườn nho cho Ngài.

 

Còn người con thứ hai đã thưa với cha: “ Thưa Ngài, con đây!” Một câu trả lời có vẻ tôn kính, nhưng lại là một câu trả lời khách sáo, xa lạ đối với tình cha con, có vẻ như mỉa mai: Thưa Ngài. Anh vỗ ngực xưng tên cá nhân anh: con đây. Người con thứ hai là biểu tượng cho những người biệt phái, kỳ lão và thượng tế trong đền thờ Giêrusalem. Họ là những người có quyền thế và hiểu biết giáo lý, nhưng cuộc sống của họ chỉ nghĩ đến lề luật, sống nô lệ lề luật. Họ tư coi mình là những người gương mẫu trong đời sống tôn giáo. Họ khinh chê, xem thường những người bất hạnh, tội lỗi, lỗi luật. Nhưng Chúa Giêsu lại đả phá quan niệm câu nệ lề luật và thái độ tư mãn và phân cách của họ.

 

Cả hai người con đều ngôn hành bất nhất. Người thì nói đi nhưng lại không đi, người thì nói không đi, nhưng hối hận lại đi. Qua hai thái độ và cách hành xử của hai người con, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và kỳ mục: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.”Chúng ta là ai trong hai người con ấy “đã thi hành ý muốn của người cha”?

 

Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói mà không làm là người giả đối. Người có đức tin nhưng không hành động vì đức tin là tin vu vơ. Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết ( Gc 2: 14).

 

Thiên Chúa muốn chúng ta đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng hành động chứ không bằng lời nói suông.“ Con người được nên công chính, không phải nhờ giữ lề luật một cách hình thức, nhưng  nhờ sống đức tin, một đức tin được đánh dấu bằng những hành động cụ thể.” (  Cố HY Nguyễn văn Thuận,Cầu nguyện Hy vọng II. Số 9).

 

Lời Chúa nói: “ Những người này thờ Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta.” ( Mt.15:8) cũng là lời cảnh cáo chúng ta khi chưa hành động vì đức tin.

 

Một người kia nằm mơ thấy mình được lên thiên đàng. Ông đang thơ thẩn đi dạo, thì thấy Chúa Giêsu đến và ban cho ông một thị kiến về những việc ở trần gian.

 

Ông thấy cảnh tượng một ngôi thành đường vào ngày Chúa nhật đang cử hành thánh lễ. Một nhạc sĩ đang đệm đàn organ, nhưng ông không nghe tiếng đàn, chỉ  thấy những ngón tay lướt trên phím đàn. Ông thấy ca viên mấp máy miệng hát, nhưng ông không nghe được gì. Ông cũng nhìn thấy vị linh mục chủ tế và mọi người đứng lên ngồi xuống, há miệng đọc và thưa kinh, nhưng ông cũng chẳng nghe được gì...

 

Lấy làm lạ, ông hỏi Chúa sao lại có sự im lặng kỳ lạ thế. Chúa Giêsu trả lời: “ Con xem đó, nếu như người ta không cầu nguyện hoặc ca hát bằng cả tâm hồn của họ, thì chúng ta trên này chẳng nghe được gì cả.”

 

Chúng ta có tự do để nói đi hay không đi làm vườn nho cho Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Chúa không khuyến khích người ta phạm tội, nhưng với lòng nhân từ, Ngài vẫn kêu gọi phạm nhân sám hối, hướng dẫn chúng ta cách sống đạo cho phù hợp với công bằng và tình yêu của Thiên Chúa như lời Ngài đã phán: “ Hỡi nhà Ítraen, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các người mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.” ( Ed.18:25-28)

 

Giáo sĩ hay giáo dân đều có nhiệm vụ đi làm vườn nho cho Chúa. Đi hay không đi làm vườn nho là tùy mỗi người , tùy sự lựa chọn tự do của mình. Không đi là thiếu trách nhiệm trong cuộc sống đức tin của mình. Người con từ chối không đi, nhưng hối hận anh lại ra đi. Anh đi từ thay đổi tư tưởng, thay đổi tự do để đi đến thay đổi tâm hồn. Thay đổi tư tưởng  mới chỉ dẫn đến thay đổi một số khía cạnh. Thay đổi tâm hồn mới dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về cuộc sống. Sư hối hận hoán cải, làm lại cuộc sống là điều kiện thiết yếu để được vào Nước Trời. Không ai là người trong sạch, và vô tội trước mặt Thiên Chúa. Một tâm hồn chai cứng vì tự mãn phô trương là đạo đức thánh thiện khó có tâm hồn sám hối để hoán cải!

 

Chúa đã, đang và sẽ còn mời gọi chúng ta: “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Và chúng ta đã, đang và sẽ trả lời với Chúa thế nào?

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi