Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 24 TN - NĂM A: THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

CN XXIV TN / A

Bài đọc 1: (Hc. 27:30-28:7)

Bài đọc 2: (Rm. 14:7-9)

Tin Mừng: (Mt.18:21-35)

 

 

Trong cuộc sống, giữa con người với nhau, nhiều lần chúng ta bị anh em xúc phạm như bôi nhọ thanh danh, nói hành nói xấu, bịa chuyện không thành có, có thành không, thù ghét vì ghen tương,xúc phạm đến thân thể, làm thiệt hại của cải vật chất.

 

Chúa đã  dạy con cái của Ngài phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và yêu thương anh em như chính mình. Không phải chỉ yêu người yêu mình mà còn phải yêu cả những kẻ thù, những kẻ ngược đãi mình: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt. 6: 43-44); đồng thời Ngài cũng dạy chúng ta phải tha thứ cho anh em lỗi phạm đến chúng ta.

 

Ai trong chúng ta là không mắc nợ đối với Thiên Chúa và với anh em? Muốn được tha thứ thì phải thứ tha.Yêu thương và tha thứ là hai tình cảm không thể thiếu trong một hành động bác ái. Nói yêu thương mà không tha thứ là mâu thuẫn.Nói yêu thương mà không tha thứ là nói dối. Tha thứ mà không yêu thương là ngạo mạn!

 

Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta bằng việc chúng ta  tha nợ cho anh em. Nợ chúng ta mắc với Thiên Chúa và nợ anh em mắc với chúng ta có một mối liên hệ hỗ tương. Tha thứ cho anh em là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta: ”Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mt. 6: 14-15).

 

Nhưng thứ tha đến mức độ nào thì vừa lòng Thiên Chúa? “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đó là câu hỏi ông Phêrô nêu lên với Chúa Giêsu.

 

Một hai lần xúc phạm thì còn dễ tha thứ, nhưng người anh em ấy cứ xúc phạm hết lần này đến lần khác thì phải tha mấy lần? Càng tha thì người ta càng làm tới, vậy thì đến bảy lần đã đủ chưa? Chúa Giêsu không đưa ra cụ thể số lần tha thứ là bao nhiêu, Ngài không nói cụ thể là phải tha 50% hay 90% mà là tha thứ 100%, tha thứ triệt để, tha thứ là tha thứ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Quả là một việc làm rất khó đối với bản tính của con người, nhưng đó lại là đòi hỏi của Thiên Chúa đối với chúng ta để được Thiên Chúa tha thứ.

 

Để minh họa  về lòng tha thứ, Chúa Giêsu không đưa ra  ví dụ liên quan đến sự xúc phạm nhưng Ngài lại đưa ra một ví dụ về nợ tiền bạc:

 

Một ông vua nọ đòi các đầy tớ thanh toán sổ sách. Người tính sổ đầu tiên là một người nợ vua mười ngàn nén vàng.Y không có gì để trả, nên vua ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Tên đầy tớ sấp mình van xin: “Thưa ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Chạnh lòng thương, vua cho y về và tha luôn món nợ .Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người bạn mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ và bảo: “Trả nợ cho tao!” Người bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Sự việc đến tai vua. Ông cho đòi hắn đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì người đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ cho đến ngày y trả hết nợ. Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình." (xem Mt. 18: 21-35). Vua đã chạnh lòng thương và tha hết nợ cho tên đầy tớ, nhưng anh lại không chạnh lòng thương mà tha nợ cho anh em. Thật không công bằng!

 

Món nợ vất chất mười ngàn nén vàng hay một trăm quan tiền,  chẳng làm cho Thiên Chúa phải quan tâm, nhưng qua món nợ vất chất ấy, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta thực hiện lòng thương xót mà tha thứ như lời thánh Phao lô đã viết cho tín hữu Rôma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13: 8).Đó là món nợ yêu thương, nợ tương thân tương ái.

 

Món nợ con người mắc phải đối với Thiên Chúa thật quá nhiều: nợ yêu thương, nợ cứu chuộc, nợ cuộc sống... Chúng ta xin Chúa tha nợ cho chúng ta nhưng chúng ta lại không tha nợ cho anh em là không công bằng đối với Thiên Chúa với anh em. Chúng ta không tha món nợ “tương thân tương ái“ cho anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha nợ mà chúng ta mắc phải đối với Ngài. “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

 

Một người nọ đi hành hương Thánh Địa. Một đêm, ông ông mơ thấy mình đang ở trong vườn Cây dầu. Bầu trời rất đẹp, đầy trăng sao. Vạn vật yên tĩnh. Người khách hành hương  vô cùng xúc động. Nước mắt ứa trào, ông sấp mình xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, ân huệ Chúa ban cho con người thật dồi dào. Xin đừng để con phạm tội mất lòng Chúa.”

 

Bỗng có một tiếng nói vang lên: “Hỡi con, con xin Cha đừng để con phạm tội mất lòng Cha. Điều đó thì tốt, nhưng nếu Cha ban ơn ấy cho tất cả mọi người, thì làm sao Cha có thể minh chứng lòng thương xót vô bờ bến của Cha?”

 

Theo sách Huấn ca, thịnh nộ và giận dữ là hai điều ghê tởm, người mắc lấy hai điều ấy là người có tội. Thịnh nộ và giận dữ mà tìm cách báo thù thì sẽ bị Chúa báo thù và Ngài sẽ nghiêm trị tội lỗi của họ. Ngược lại, gặp thịnh nộ và giận dữ mà tha thứ cho kẻ làm hại mình, thì nếu xin với Chúa tha thứ lỗi lầm của mình, Ngài sẽ tha thứ cho người ấy. Người tích lòng giận ghét anh em, không thương xót người đồng loại mà cầu xin Chúa tha thứ, xót thương thì còn đâu sự công bằng! (xem Hc. 27:30-28:7).

 

Ngay cả những tội lỗi, những thất bại và sa ngã cũng có thể trở thành những điều lợi ích cho chúng ta; vì qua đó, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của bao la của Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, và từ đó buộc chúng ta phải nghĩ và hành động thương cảm và nhân ái với anh em.

 

Những xúc phạm, những tổn thương tạo nên trong lòng chúng ta sự oán giận, thù ghét. Những mối thù hận ấy chỉ có thể được làm nhẹ đi hay xóa đi bằng sự tha thứ. Sự tha thứ đem đến cho chúng ta cảm thức thanh thản, sáng suốt và tự do, về năng lực yêu thương. Sự tha thứ cũng là cơ hội đánh thức sự tự mãn kiêu căng của mình bằng sư tự nhận biết mình cũng là những người cần được sự tha thứ.

 

Sống yêu thương và tha thứ là hai nét đặc trung của người Kitô hữu, con cái của Thiên Chúa.

  


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi