Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 19 TN - NĂM A: SAO CHÚA BỎ MẶC CON? (DVD giảng & bài viết)
Video

CN XIX TN /A
Bài đọc 1: (1V 19: 9.11-13)
Bài đọc 2: (Rm 9: 1-5)
Tin Mừng : (Mt14: 22-33)
 

 

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, “Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, còn chiếc thuyền thì đã xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió”. Không biết việc Chúa truyền cho các môn đệ ra đi như thế có phải Người đã có một kế hoạch nào đó chăng? “Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Ma đấy! Và sợ hãi la lên”. Thấy Thầy sao lại hốt hoảng la lên: Ma đấy? Có lẽ các ông chưa nhận biết thế nào là bản chất của Thiên Chúa quyền năng, dù họ đã chứng kiến nhiều phép lạ Thầy đã làm, gần nhất là việc hóa bánh ra nhiều. “Đức Giêsu liền bảo các ông: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!. Các ông vẫn còn bán tín bán nghi, đặt giả thuyết, đặt điều kiện với Chúa như ông Phêrô đã lên tiếng: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Điều kiện của ông Phêrô đã được Chúa đáp ứng: “Cứ đến!”  Ông Phêrô từ thuyền bước xuống để đến với Thầy. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin Ngài cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông mà nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”. Qua câu nói ấy, chứng tỏ trước đó, họ vẫn chưa nhận định được Người là ai, chưa tin Ngài là Con Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến nhiều điều lạ. (Xem Mt. 14:22-32)

 

Với quyền năng của Thiên Chúa, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ có lẽ không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Điều chúng ta cần lưu ý là tình trạng của các môn đệ trên chiếc thuyền vượt qua bờ bên kia mà không có Chúa cùng đi.

 

Khi các môn đệ lên thuyền đi rồi, Ngài một mình ở lại bên này, đi lên núi cầu nguyện. Đây có lẽ là lúc Chúa muốn cho các ông biết rằng: sẽ đến một lúc nào đó, Ngài không còn hiện diện với các ông bằng xương bằng thịt , nhưng sẽ bằng một cách khác, và rằng: các ông sẽ phải tự mình chèo chống với biển khơi, với sóng to gió lớn.

 

Con thuyền ra khơi để về bên bờ bên kia là hình ảnh Giáo Hội trần thế đang đi về quê thật, là biểu tượng cuộc lữ hành trần gian của mỗi người chúng đang đi về bờ biển bên kia là Nước trời. Giáo hội hay mỗi cá nhân chúng ta đều gặp những giây phút gian nan, hiểm nguy, thử thách: đó là những giây phút hốt hoảng về đức tin.

 

Trong cuộc vượt biển trần gia ấy, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Cũng có lúc gặp giông bão, có lúc gặp sóng to gió lớn. Đó là chuyện thường tình, nhưng lại cần thiết đối với đời sống đức tin. Các môn đệ đã hốt hoảng khi “bị sóng đánh, vì ngược gió”, khi nhìn thấy Thầy đi trên mặc nước mà lại tưởng là ma. Ông Phêrô, khi nhìn thấy Thầy đi trên mặt nước đã hốt hoảng ra điều kiện: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”; nhưng khi ông sắp chìm xuống biển, ông lại hốt hoảng kêu lên: “Thưa Ngài, xin Ngài cứu con với!”. Và các môn đệ cũng sẽ hốt hoảng nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa sau cái chết: Sau khi sống lại, Người hiện ra đứng giữa các ông và chúc bình an cho họ; nhưng các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là ma, và Người cũng đã khiển trách : “Sao anh em lại hốt hoảng? Sao còn ngờ vực trong lòng?” (Xem Lc.24:36-38)

 

Nhưng trong những giây phút hốt hoảng ấy, chúng ta phải hành động như thế nào? Chúng ta dựa vào đâu để xóa tan những hốt hoảng ấy? Chúa Giêsu đã đem đến cho chúng ta một chiếc phao cứu nạn: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nhưng chúng ta đặt hết tin tưởng vào Người hay lại hoài nghi sự hiện diện của Người ?

 

Lời Chúa khiển trách ông Phêrô cũng là lời khiển trách chúng ta, khi đức tin của chúng ta bị chao đảo, bấp bênh, khi chúng ta quên lời Người đã nói: Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế, và khi không tin tưởng, phó thác vào tình thương của Người như thánh Phaolô đã cảm nghiệm được chân lý ấy trong thư gửi tín hữu Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” ( Rm.8: 35,37)

 

Một đêm nọ, một người kia mơ thấy mình đang lang thang dọc theo bãi biển cùng với Chúa Giêsu. Bổng trên bầu trời lóe lên những cảnh huống  trong cuộc sống của anh ta. Trong mỗi cảnh huống, anh đều nhìn thấy có bốn dấu chân in trên cát: hai dấu chân của anh ta và hai dấu chân của Chúa Giêsu.

Khi cảnh huống cuối cùng của cuộc sống lóe sáng, anh ta quay lại nhìn những dấu chân trên cát và nhận ra rằng trong suốt quãng đời của mình, nhiều lúc chỉ có hai dấu chân của Chúa. Anh hồi tưởng lại và nhận ra rằng đó là những thời gian tăm tối và ảm đạm nhất trong cuộc đời anh. Điều này làm anh thắc mắc, quay sang hỏi Chúa Giêsu:

        - Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng một khi con đã quyết định đi theo Chúa, thì Chúa sẽ đồng hành với con trên mọi nẻo đường. Nhưng con thấy trong những lúc đường đời con gặp nhiều gian truân thử thách thì chỉ có hai dấu chân của Chúa . Có phải những lúc ấy Chúa đã bỏ rơi con?

Chúa từ tốn trả lời:

      Hỡi con yêu dấu, Cha yêu thương con và Cha đâu nỡ để con mồ côi trong những lúc đau khổ và thử thách.Những quãng thời gian con chỉ nhìn thấy hai dấu chân trên cát, đó là những khi Cha đang bồng ẵm và che chở cho con trên đôi cánh tay của Cha.

 

Trong cuộc sống của con người, có nhiều hốt hoảng: hốt hoảng vì sinh bệnh lão tử, hốt hoảng vì sao sinh ra rồi lại phải chết, hốt hoảng vì sao lại có khổ đau, hốt hoảng vì những bí nhiệm mà trí óc con người không thể giải thích. 

 

Là người Kitô hữu, chúng ta cũng gặp những hốt hoảng về đức tin của mình, khi chúng ta đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa để đuổi theo một thế lực nào khác: Lạy Chúa, nếu Chúa thực là Thiên Chúa toàn năng, sao Chúa lại để cho những thế lực trần thế lướt thắng quyền năng của Chúa? Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa Tình thương, sao Chúa lại để cho chúng con phải gặp khốn khó?

 

Chính trong những giấy phút hốt hoảng ấy, chúng ta cũng sẽ bị Chúa khiến trách như đã khiển trách ông Phêrô: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?

 

Ngày nay, chúng ta được may mắn hơn các tông đồ là nhận biết được Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Thương, là Đấng Cứu Độ loài người, như các môn đệ xưa kia đã tuyên xưng: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”, thế nhưng có lúc chúng ta vẫn còn mở hồ, vẫn còn nghi ngờ chưa thực sự hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chung con” ( Lc. 17: 5)

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi