Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT18 THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN
Âm thanh
Video
Video
Video
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC : Gr 31, 31-34

            31 Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa.33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa ", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

ĐÁP CA : Tv 50

Đ.        Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng. (c 12a)

12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

18 Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. 19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

BÀI TIN MỪNG
 TUNG HÔ TIN MỪNG : Mt 16, 18

            Hall-Hall :  Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Hall.

TIN MỪNG : Mt 16, 13-23

            13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! "23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

 

BÀI GIẢNG
 HUẤN QUYỀN

 

            Dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta xác tín rằng Chúa chỉ trao quyền Giáo Huấn (ngôn sứ) riêng cho Hội Thánh của Ngài đã đặt ông Phêrô làm thủ lãnh (Giáo hoàng tiên khởi), và Hội Thánh chỉ được xây dựng bền vững và phát triển dựa trên nền tảng giáo lý phát xuất từ Cha trên trời, cùng Đức Tin và lòng Mến của các Kitô hữu thể hiện qua gian khổ vì Tin Mừng.

A. HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN NỀN TẢNG GIÁO LÝ                                                    PHÁT XUẤT TỪ CHA TRÊN TRỜI.

            Thực vậy, Chúa đã mạc khải riêng cho ông Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh, và Chúa cũng chỉ mạc khải cho Hội Thánh của Ngài.

I/ Chúa mạc khải riêng cho ông Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh.

            1- Chỉ có ông Phêrô tuyên xưng Đức Tin về Đức Giêsu : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nghe thế Đức Giêsu xác nhận : “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17 : Tin Mừng). Như thế lời tuyên xưng Đức Tin của ông Phêrô trổi vượt hơn  những người ngoài Nhóm Mười Hai chỉ nói Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả sống lại, người khác nói là ông Êlya, hay ông Giêrêmia, hoặc một ngôn sứ khác (x Mt 16,14 : Tin Mừng).

            2- Đức Giêsu nói với Nhóm Mười Hai : “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-32).

            3- Chỉ có ông Phêrô được Chúa mạc khải bỏ Luật cắt bì sau khi Chúa cho ông nhận ra trong một thị kiến có chiếc khăn từ trời túm bốn góc thả xuống trước mặt ông, trong đó có những con vật dơ mà Chúa bảo ông cứ giết mà ăn (x Cv 11,1-18), và ông đã hiểu rằng : Cứ giảng Lời Chúa để thanh tẩy dân ngoại, ai tin thì ban Bí tích Thánh Tẩy cho họ, không cần giữ Luật cắt bì (x Cv 15,28). Bởi vì Đức Giêsu đã quyết định xây dựng tòa nhà Hội Thánh trên nền tảng Đức Tin và lòng Mến của ông Phêrô, nên sau khi ông tuyên xưng Đức Tin, Đức Giêsu nói : “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18 : Tung Hô Tin Mừng).

II. Chúa chỉ mạc khải cho Hội Thánh Công Giáo.

1.      Đức Giêsu ngợi khen Cha trên trời đã không mạc khải cho hạng khôn ngoan thông thái, mà chỉ mạc khải cho kẻ bé mọn (x Mt 11,25). Kẻ bé mọn chính là những người sống trong Hội Thánh Chúa Ki-tô, những người được Chúa Ki-tô cứu độ (x Mt 18,3 ; Lc 12,32 ; 1Ga 2,1.12.14.18.28).

2.      Đức Giêsu chỉ cắt nghĩa việc Ngài làm và Lời Ngài dạy cho các môn đệ theo Ngài hiểu mà thôi, còn những kẻ khác không theo Đức Giêsu, cũng không ở riêng với Ngài, thì họ có nhìn lấy nhìn để cũng không thấy, nghe mà không hiểu !(x Mt 13,10-17; Mc 4,10-12).

3.      Khi Đức Giêsu bị xử án, thượng tế tra hỏi Ngài : “Ông dạy giáo lý thế nào ?” Ngài trả lời : “Cứ vào Nhà Thờ hỏi người đã nghe tôi nói, hằng ngày tôi giảng dạy ở đó” (Ga 18,19-21). Bởi vì “ai nghe lời môn đệ tôi, chính là nghe tôi” (Lc 10,16a). Như thế, từ khi Đức Giêsu chịu Tử Nạn (Thánh Lễ của Ngài bắt đầu), thì việc Ngài giảng dạy hằng ngày trong Nhà Thờ phải hiểu là môn đệ Đức Giêsu giảng  (x HCPV số 7).

4.      Thánh Phaolô đã xác tín cho chúng ta : “Thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1,8).

            Vì những chứng từ trên đây, mà trong Hiến Chế Mạc Khải số 8, Công Đồng Vat.II dạy : “Thiên Chúa, xưa đã phán dạy nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê (Hội Thánh) của Con yêu dấu mình, và Thánh Thần làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Hội Thánh, và nhờ Hội Thánh làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu biết toàn thể Chân Lý và làm cho Lời Chúa Ki-tô tràn ngập lòng họ”. Đúng với lời thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã nói : “Không ai được tự tiện giải thích Lời Sách Thánh, vì Lời Chúa không do người phàm đem đến, nhưng là nhờ  Thánh Thần thúc đẩy có người nói ra” (2 Pr 1,20-21). Thực vậy, khi Hội Thánh dâng Lễ, “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, Thánh Thần nâng đỡ tình cảnh yếu hèn của ta. Vì cầu xin thế nào cho phải ta nào có biết. Song chính Thánh Thần chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên khôn tả” (Rm 8,26). Nên chỉ trong Phụng Vụ, Hội Thánh mới làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia nói : “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ lập Giao Ước với nhà Israel và Giu-đa một giao ưóc mới, không giống như Ta đã lập với cha ông chúng, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,31-32a,33b-34 : Bài đọc năm chẵn). Thánh Phaolô đã dựa vào lời ngôn sứ Giêrêmia mà nói : “Anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2Cr 3,3). Vì Lời Chúa ta đón nhận trong Phụng Vụ có giá trị thanh tẩy tội lỗi, nên mỗi khi dự Lễ, ta hãy cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51/50,12a : ĐC năm chẵn).

            Chúng ta phải tin rằng quyền giáo huấn Chúa ban riêng cho Hội Thánh, mà Ngài đã đặt ông Phêrô làm thủ lãnh, đó là quyền tự do của Ngài, kẻ nào lẩm bẩm kêu trách chủ chăn Hội Thánh, vì cho là bất xứng, như ông Phêrô bị Chúa mắng là Satan, để không tin Chúa ban quyền Giáo Huấn riêng cho Hội Thánh, mà nghĩ rằng ai cũng có Thánh Thần giúp hiểu Lời Chúa là đủ, thì sẽ mang họa, như xưa bà Miriam lẩm bẩm phê bình ông Môsê, khi biết ông lấy vợ ngoại giáo, bà nói : “Không lẽ Chúa chỉ mạc khải riêng cho ông Mô-sê hay sao, Ngài cũng mạc khải cho cả chúng ta nữa chứ?” Thế là bà bị Chúa phạt cùi (x Ds 12). Bởi đó người Kitô hữu phải hãnh diện về Giáo Lý đã được đón nhận từ Hội Thánh Công Giáo, mà Cha trên trời ban cho. Chúng ta phải chứng tỏ mình hơn những anh em ly giáo mới làm vinh hiển Chúa. Kẻ nào ngu dốt về Giáo Lý, chính nó phá Hội Thánh, Satan chẳng cần ra tay.

            Đức Pio X vào trường Truyền Giáo Roma hỏi các Đại Chủng sinh :

-         Quyền lực nào phá Hội Thánh mạnh nhất ?

-         Thưa những gia đình Công Giáo ly dị nhau.

-         Không phải.

-         Thưa cộng sản vô thần duy vật.

-         Không phải.

-         Quyền lực Satan.

-         Càng không phải. Vì Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô : “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi con” (Mt 16,18b).

Cuối cùng vì không ai trả lời được, Đức Giáo hoàng nghiêm sắc mặt nói : Những người Công Giáo ngu dốt về giáo lý mới chính là sức mạnh tàn phá Hội Thánh. Vì thế “ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng” (Tv 95/94,7b.8a : ĐC năm lẻ).

B. HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN                                          CỦA CÁC KITÔ HỮU CHẤP NHẬN CHẾT VÌ PHỤC VỤ DƯỚI ÁNH SÁNG TIN MỪNG.

            Người Công Giáo phải nói được như Chúa Giêsu: “Các điều Ta nói thì như Cha Ta đã nói với Ta sao, Ta cũng nói vậy” (Ga 12,50), mà “một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33/32,6). Tuy vậy, vì Đức Giêsu hết lòng loan báo Lời Cha mà bị giết, nhưng chỉ ba ngày sau Ngài sống lại. Bởi thế, Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết về cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vậy mà ông Phêrô không nhận ra giá trị qua đau khổ Ngài đi đến vinh quang, ông cho rằng : Ai đương đầu với gian khổ là dấu Chúa không thương, nên ông kéo riêng Ngài ra để khuyên răn : Thầy chớ liều ! Ông liền bị Đức Giê-su kết án là satan và đuổi ông đi về phía sau Ngài (x Mt 16, 21-23 : Tin Mừng).

            Vậy chỉ khi nào ông Phêrô chấp nhận chết vì phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng, đã được Đức Giêsu báo trước :  “Người ta sẽ lôi con đến nơi con không muốn”, nói thế để  ông phải chết giống Thầy” (Ga 21,17-19). Có thế ông mới xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm đặt làm thủ lãnh Hội Thánh.

            Thực vậy, Hội Thánh được xây dựng không chỉ dựa trên quyền năng của Thiên Chúa, mà còn được xây dựng bền vững và phát triển lệ thuộc vào cách tuyên xưng Đức Tin bằng máu của những người Công Giáo. Vì thế Đức Giêsu không tuyên bố xây dựng Hội Thánh trên ông Phêrô, khi Ngài mới gọi ông từ thuyền đánh cá, mà Ngài chỉ xây dựng Hội Thánh trên con người đã chấp nhận từ bỏ mọi sự vác Thánh Giá theo Thầy hằng ngày (x Lc 9,23). Trong kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng Hội Thánh có bốn đặc tính : Duy Nhất-Thánh Thiện-Công Giáo-Tông Truyền. Như thế thì còn thiếu đặc tính thứ năm là Tử Đạo! Ý thức điều đó thánh Phaolô nói : “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu, vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

            Chân lý này đã được tiên báo qua việc ông Môsê lấy gậy đập vào tảng đá hai lần, để có nước trong lành cho dân và súc vật uống (x Ds 20, 9-11 : Bài đọc năm lẻ). Thánh Phaolô đã giải thích : Tảng Đá đó là Chúa Kitô (x 1Cr 10,3-4). Vì người Công Giáo mang danh là Kitô hữu, nghĩa là người có Chúa Kitô ở cùng, mà Chúa Kitô là Tảng Đá đã bị đập, thì những kẻ theo Ngài cũng chung một số phận (Ga 21,18-19). Nhưng “người ta càng hành hạ dân Chúa chọn, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến cho những kẻ gia công bách hại đâm ra hoảng sợ” (Xh 1,12). Vì thế ông Tertulianô nói : “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu

THUỘC LÒNG

            Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà con phải thiệt thân, lời kẻ thóa mạ Ngài này chính con hứng chịu (Tv 69/68, 10).

http://phaolomoi.net

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: