Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
Thứ 5 sau CN 26 TN năm Chẵn
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Gióp 19, 21-27
21 Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn,vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! 22 Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn? 23 Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, 24 có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! 25 Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. 26 Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa.27 Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.Lòng tôi những tha thiết mong chờ.
ĐÁP CA: Tv 26
Đ.       Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban

          trong cõi đất dành cho kẻ sống. (c 13)

7 Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. 8a Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
8b Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài, 9abc xin Ngài đừng ẩn mặt.  Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mc 1,15
Hall-Hall: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Hall.
TIN MỪNG: Lc 10, 1-12
1 Một hôm, Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! "6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói:11 "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần."12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó."
 
BÀI GIẢNG

BẢN CHẤT KITÔ HỮU LÀ GIẢNG TIN MỪNG

       Sau khi Đức Giêsu về trời, tác giả Luca không cho ta thấy các Tông Đồ đi khắp thế gian để truyền giảng Tin Mừng như trong Mt 28,19-20 ; trái lại : “hằng ngày ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 53).Sự khác biệt này ông Luca có ý nhấn mạnh :

  1. Người ta chỉ nghe được Lời Chúa đích thực trong cộng đoàn Phụng Vụ của Hội Thánh.
  2. Mỗi Kitô hữu đến tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh lòng tràn đầy hân hoan như nếm trước phúc lộc trên trời vì được “nghe những Lời khôn tả”(x 2Cr 12,4). Niềm vui này đã được diễn tả khi dân Israel đựơc nghe Lời Chúa do viên ký lục Ezra long trọng mở sách Luật ra đọc trong ngày lễ khánh thành đền thờ Giêrusalem mới được tái thiết lại sau 40 năm dân bị lưu đày ở Babylon : Toàn dân cung kính đứng nghe Lời Chúa, họ được giải thích hiểu từng đoạn, từng lời, khiến họ quá sung sướng nước mắt trào ra! Thấy thế ông Ezra bảo họ : Hãy đi ăn uống cao lương mỹ vị và gởi phần về cho ai không được dọn sẵn, bởi vì hôm nay là ngày thánh dâng Chúa chúng ta. Đừng khóc nữa, vì niềm hân hoan nơi Chúa là đồn lũy của anh em” (Bài đọc năm lẻ).

Đối với các Kitô hữu hôm nay đến dự Phụng Vụ Lời Chúa, lòng họ hân hoan ra về, họ cũng phãi đưa phần quà là Lời Chúa cho những người chưa biết đến Nhà Thờ, chưa vào Hội Thánh, như Chúa Giêsu Phục Sinh chia sẻ Lời Chúa cho hai môn đệ trong nhóm 72 đi về làng Emmau, nhờ đó biến nỗi ưu sầu vì Thầy Giêsu của họ đã bị giết chết, thành  niềm vui khôn tả là được Thầy từ cõi chết sống lại, đến cắt nghĩa Thánh Kinh cho họ. Thế là ngay lập tức, họ lên đường đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người đang ngụ tại Giêrusalem  (x Lc 24).

Nhưng người Kitô hữu chỉ làm tốt sứ mệnh ngôn sứ, như hai môn đệ về Emmau khi họ nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã căn dặn nhóm 72 và đem ra thực hành :

  1. Ý thức mọi Kitô hữu phải làm Tông Đồ cho Chúa.
  2. Ý thức sống cặp chứng nhân như Chúa sai hai môn đệ lên đường.
  3. Ý thức cánh đồng lúa chín thiếu thợ gặt.
  4. Nhìn thấy trước con đường làm chứng cho Chúa đầy chông gai.
  5. Ý thức tinh thần sống nghèo.
  6. Ý thức rao giảng Tin Mừng là hành động cấp cứu.
  1. Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng.
  2. Phó thác trông cậy nơi Chúa.
  3. Kẻ khước từ Tin Mừng là chuốc lấy tai hoạ.

 &&&

 1/ MỌI KITÔ HỮU PHẢI LÀM TÔNG ĐỒ, NHƯ CHÚA ĐÃ CHỌN THÊM 72 NGƯỜI VÀ SAI HỌ ĐI :

         Tác giả Luca ghi điều  này để nói lên :

         a- Mọi người được lãnh Bí tích Thánh Tẩy đều là môn đệ của Chúa (x Mt 28,19). Vì con số 70 (theo bản văn tiếng Hy-Bá-Lai ) hay con số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) đều là con cháu của ông Noe sau lụt Hồng thủy (x St 10), mà lụt Hồng thủy là hình ảnh Bí tích Thánh Tẩy. Đồng thời con số 72 hay 70 cũng là dòng giống của Israel (x Xh 1,5), nên những ai lãnh Bí tích Thánh Tẩy đều là giống nòi Israel mới.

         b- Một mình ông Môsê (môn đệ Chúa) điều hành Israel không nổi, ông nghe lời nhạc phụ chọn 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông.

         Vậy 70 hay 72 môn đệ của ông Luca ghi đối với người Kitô hữu phải hiểu là :

         - Chúa không chỉ chọn 12 Tông Đồ (giống nòi Do Thái) nhưng Ngài còn muốn chọn Tông Đồ từ khắp các dân tộc qua Bí tích Thánh Tẩy.

         - Những người có Chức Thánh (12 môn đệ) còn cần được giáo dân (70 hay 72) cộng tác.

2/ LÀM TÔNG ĐỒ PHẢI SỐNG Ý NGHĨA “CẶP CHỨNG NHÂN” ĐỂ CÓ KHẢ NĂNG QUY TỤ DÂN VỀ CHO CHÚA :

         Theo Luật Do Thái một điều được xác nhận là chân lý phải có ít là hai người làm chứng (x Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do miệng hai hay ba nhân chứng (x Mt 18,16).

         Nhưng chứng hai hay nhiều  người có khi còn gia tăng gian ác, như các nhân chứng trong phiên tòa xử Đức Giêsu !

         Vậy “cặp nhân chứng” chỉ có giá trị khi người Tông Đồ ý thức sống :

         + Mến Chúa và yêu người (x Mt 22,34)

         + Làm trước dạy sau  (x Mc 6,30).

         + Phá hủy và xây dựng (x Gr 1, 10).

         + Đau khổ vàvinh quang (x Lc 24,26).

         + Nô lệ và làm chủ (x Mc 9,35).

         + Chia sẻ và lãnh nhận  (x Mc 10,28t).

         + Dùng giá trị đời này để quy về giá trị đời sau (x Lc 19,9).

         Sống được như trên là đi dọn chỗ tâm hồn đồng loại cho Chúa đến ban phát ơn cứu độ (x Lc 10,1b : Tin Mừng).

3/ Ý THỨC CÁNH ĐỒNG LÚA  CHÍN THIẾU THỢ GẶT :

            Đức Giêsu nói : “Mùa màng nhiều, thợ gặt ít, vậy các ngươi hãy xin Chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người” (Lc 10,2 : Tin Mừng).

            Muốn hiểu lời nói này chúng ta đọc thêm lời Chúa nói trong Tin Mừng Gioan :  “Các ngươi lại chẳng nói thế này sao : Bốn tháng có qua mùa màng mới đến ! Này : Ta bảo các ngươi : Hãy ngước mắt lên mà nhìn. Đồng lúa đã chín vàng chờ gặt ! Rồi kìa thợ gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều hoan hỷ. Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi đã không vất vả làm ra ; có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4,35-36.38)

  1. Bốn tháng có qua” : Ám chỉ về mùa Chay và Phục Sinh : từ tháng 2 đến tháng 5 (khoảng 4 tháng).
  2. Mùa màng mới đến” : Chính là Phụng Vụ mới Đức Giêsu đã làm hoàn tất Phụng Vụ Do Thái giáo.
  3. Hãy ngước mắt nhìn đồng lúa đã chín vàng chờ gặt” : Chính là hiệu quả ơn cứu độ Đức Giêsu thực hiện nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, Chúa muốn mọi người đến gặt hái lãnh nhận.
  4. Thợ gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời”: Những người đến tham dự Phụng Vụ là thu lượm hoa mầu trong Phụng Vụ Đức Giêsu đã thiết lập để được sống đời đời.
  5. Để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều hoan hỷ” : Kẻ gieo chính là Đức Giêsu và các chủ chăn trong Hội Thánh, người gặt là các tín hữu tham dự Phụng Vụ. Như thế, nhờ tham dự Phụng Vụ dân Chúa được hoan hỷ trong Đức Giêsu.
  6. Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra” : Loài người được Chúa mời gọi đến lãnh nhận (gặt hái) ơn Đức Giêsu đã thực hiện, Ngài đã mất cả mạng sống để thiết lập.
  7. Có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” : Những kẻ khác đã vất vả chính là Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài ý thức sống, như lời thánh Phaolô nói : “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).
  8. Các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” : Ai đến tham dự Phụng Vụ đều được hưởng công lao vất vả của Đức Giêsu cũng như những người sống niềm tin gắn bó với Đức Giêsu tầm cở như ông Phaolô

            Vậy nếu người Kitô hữu muốn cho nhiều người thuộc về Chúa Kitô thì chính họ phải là những người tích cực đi tham dự Phụng Vụ để gặt hái hoa mầu đồng lúa chín là Phụng Vụ Chúa đã thiết lập. Thực vậy, nếu ta muốn mọi người thuộc về Chúa Kitô cũng là cách thu lượm hoa mầu dâng cho Chúa mà chính mình lại không thiết tha dự Phụng Vụ, thì làm sao thu họp nhiều người về cho Chúa được. Chúa Giêsu thiếu những thợ gặt, chính là thiếu những người ý thức tham dự Phụng Vụ.

 4/ ĐƯỜNG TÔNG ĐỒ LÀ ĐƯỜNG CHÔNG GAI.

            Như Chúa đã cho biết trước : “Ta sai các ngươi như chiên vào giữa sói” (x Lc 10, 3). Do đó, kẻ “ở hiền gặp lành” chỉ có thể hiểu được vào ngày cánh chung, còn đời này, AI CÀNG THIẾT THA VỚI CHÂN LÝ, CÀNG GẶP NHIỀU KẺ CHỐNG ĐỐI, CUỐI CÙNG CÔ ĐƠN! Chính Đức Giêsu đã cảm nghiệm điều này, trong giây phút cuối đời trên thập giá : “Lạy Chúa Trời tôi, sao Chúa bỏ  tôi !” (x Mt 27, 46).

5/ TINH THẦN SỐNG NGHÈO VÌ PHÚC ÂM.

            Chúa dạy : Đừng mang tiền, bao bị, giày dép (Lc 10, 4a), nghĩa là phải giống Đức Giêsu: “Ngài vốn dĩ là Đấng giầu có, nhưng vì chúng ta Ngài đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà ta trở  nên giầu có” (x 2 Cr 8,9).

            Như thế ta phải giầu để làm cho người nghèo nên giầu, còn ta chấp nhận sự nghèo khó!

            Người Tông đồ mỗi ngày chỉ sống với lương thực cần dùng hằng ngày, người ta cho gì thì ăn thức ấy, không lang thang đi kiếm chác (x Lc 10,7). Bởi vì của ăn chính của người Tông Đồ là làm theo ý Thiên Chúa (Ga 4,34).

6/  RAO GIẢNG TIN MỪNG LÀ HÀNH ĐỘNG CẤP CỨU.

            Chúa dạy : “Đi đường đừng chào hỏi ai” (Lc 10,4). Lời dạy này Chúa muốn  mọi người phải nhớ đến ông Êlysa sai đầy tớ  Ghêkhazi cầm gậy của ông mau chạy về nhà bà lớn Shunem đặt gậy trên thân xác con bà mới chết, để cho cậu bé được hồi sinh. Vì đây là việc cấp cứu nên Êlysa dặn đầy tớ : “Đi đường đừng chào hỏi ai!” (x 1V 4,18-37) ; Thánh Phaolô cũng ý thức như trên nên ông nói : “Tôi không nhúng tay vào việc đổ máu người nào, vì tôi không thiếu sót việc rao giảng Tin Mừng” (Cv 20, 25-27).

7/ MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG.

            Chúa dạy : “Vào nhà nào chúng con hãy nói : Bình an cho nhà này, nếu ở đó có con cái của sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đậu lại trên nó, bằng không, sự bình an sẽ trở về với các con” (Lc 10, 5-6).

            Như vậy đi làm Tông Đồ là đem bình an cho môi trường sống và bình an trở về với nội tâm mình, đúng như Lời Chúa phán : “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta cách hư luống,nhưng nó thực hiện ý  muốn của Ta, và sinh hoa kết quả” (Is 55, 10-11). Do đó thánh Phaolô nói : “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

8/ PHÓ THÁC TRÔNG CẬY NƠI CHÚA.

            Chúa dạy : “Khi gặp chống đối, hãy rũ bụi chân ra khỏi thành đó!” (Lc 10,11). Đó là cử chỉ của người Do Thái từ miền dân ngoại trở về quê nhà. Vậy kẻ nào chống đối lời giảng của môn đệ, nó là dân ngoại. Hãy phó thác nó cho Chúa, vì Đức Giêsu hay lui tới vùng dân ngoại để giảng trái với Luật Môsê dạy.

9/ KHƯỚC TỪ TIN MỪNG LÀ CHUỐC LẤY THẢM HOẠ.

            Chúa đã răn đe : “Ai không nghe lời các con giảng dạy thì nó nặng tội hơn bọn cuồng dâm ở Sôđôma” (x Lc 10,12), dù thành này đã bị lửa trời đốt, nhưng đến ngày cánh chung nó được Chúa xét lại và được khoan dung! Thực vậy, trên thập giá Đức Giêsu cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài : “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”(x Lc 23,34), nhưng Ngài không cầu nguyện cho thế gian như Ngài đã thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, Con không cầu nguyện cho thế gian” (Ga 17,9) là những kẻ không quan tâm tới Lời giáo huấn của Ngài hay công việc Ngài đã làm, bởi vì họ cho đó chỉ là chuyện trẻ con  (x Mt 11,16-19).

THUỘC LÒNG.

            Cv 20,26-27 : Tôi không hề nhúng tay vào việc đổ máu ai, vì tôi không thiếu sót việc giảng Tin Mừng!

http://phaolomoi.net

Cố Lm Giuse Đinh Quang Thịnh

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: