Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI  ĐỌC I : Is 50,5-9a

            5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! 9 Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội ?

ĐÁP CA : Tv 114

Đ.        9  Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời trong cõi đất dành cho kẻ sống.

1 Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, 2 Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.

3 Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình.4 Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con! "

5 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, 6 hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.

8 Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. 9 Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống.

BÀI  ĐỌC II : Gc 2,14-18

            14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,16 mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?

            17 Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.18 Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Gl 6,14

            Hall-Hall : Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Hall.

TIN MỪNG : Mc 8,27-35

            Một hôm, 27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

                31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

            34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

 

BÀI GIẢNG

ĐAU KHỔ ĐƯA ĐẾN VINH QUANG !

            Đọc Tin Mừng của Marcô, lời rao giảng tiên khởi của Hội Thánh về cuộc đời công khai mở đầu và kết thúc đời phục vụ của Đức Giêsu, thánh sử Marcô rất khéo léo ghi lại hai lời tuyên xưng Đức Tin về Đức Giêsu cùng một ý :

-  Mở đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu, ông Marcô ghi lời tuyên xưng Đức Tin của Hội Thánh : “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1)

-  Và kết thúc cuộc đời Đức Giêsu phục vụ trong gian khổ cho đến lúc bị đâm thủng tim trên thập giá, nước và máu dốc ra hết, viên sĩ quan ngoại giáo Roma thấy thế hô lên : “Người này đích thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Như thế suốt đời phục vụ của Đức Giêsu trong gian khổ cho đến chết, nhằm dạy những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trở nên con Thiên Chúa, thì cũng phải sống phục vụ như Chúa Giêsu, dù gặp gian khổ như chiên vào giữa bầy sói. Bởi thế, sau  lời tuyên xưng Đức Tin của ông Phêrô, thủ lãnh Giáo Hội “Thầy là Đấng Kitô” (x Mc 8,29), thì các ông đừng tưởng Thầy là Vua như lòng các ông hằng mơ tưởng Thầy sẽ đập tan đế quốc Roma, khôi phục Vương quyền Israel, đưa dân tộc lên siêu cường, để các ông có địa vị cao cả trong Vương quốc của Ngài (x Cv 1,6). Nhưng đối với Đức Giêsu, ai muốn được chia phần vinh hiển của Ngài, sau khi Ngài đánh gục tử thần, thì phải đi chung đường thập giá với Ngài, vì chỉ qua đau khổ mới đưa đến vinh quang thực (x Lc 24,26), chứ đừng như ông Phêrô, mới nghe Thầy loan báo về cuộc Khổ Nạn đã kéo Thầy ra một nơi riêng và khuyên : “Có đâu như thế, vì Thiên Chúa thương!” Bởi vì Thầy là Đấng Kitô (Vua) mà lại thua kẻ ác ư?! Nhưng Đức Giêsu quay lại nói với ông Phêrô : “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa mà là ý tưởng của loài người” (Mt 16,22-23).

Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35 : Tin Mừng). Lệnh Đức Giêsu truyền “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” đối với chúng ta hôm nay phải hiểu cách cụ thể là, mỗi ngày phải vượt mọi rào cản để có giờ đi dự Lễ cách trọn vẹn, đó mới là vác thập giá theo Đức Giêsu để được sống. Nếu mỗi ngày không kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì công việc làm có vất vả cũng chỉ như con trâu kéo cày, chẳng sinh ơn cứu độ cho ai, cũng chẳng làm vinh danh Chúa (x Cv 5,38-39 ; Rm 11,36).

            Vì cả đến Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng muốn cứu loài người thoát án tử do tội gây ra, Ngài cũng phải phục vụ như một người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã diễn tả : “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,5-6 : Bài đọc I). Nhưng “tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 115/114,9 : Đáp ca). Vì “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội ?” (Is 50,7-9 : Bài đọc I).

            Con đường đau khổ là cách duy nhất đối với những người phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng để đạt vinh quang. Thực vậy :

-    Không đổ máu, không có ơn cứu độ (Dt 9,22).

            -    Đức Giêsu nói : “Thật,Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Hạt giống chết là chết luôn không thể nảy mầm, thế mà ở đây Đức Giêsu lại nói hạt giống chết mới sinh nhiều hoa trái, thì phải hiểu hạt giống đó là chính Ngài, Ngài đã bị giết và chết thật, nhưng chỉ sau ba ngày Ngài sống lại vinh hiển, rồi sai các Tông Đồ tiếp tục công việc của Ngài trên khắp thế gian, quy tụ muôn dân làm môn đệ Ngài (x Mt 28,19-20).

            Đó là những hoa trái từ “hạt giống chết đi”, sinh ra các Kitô hữu sống Đức Ái, diễn tả Đức Tin sống động. Ông Tertulianô nói : “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”. Mà đã là người Kitô hữu, thì phải có hành động để diễn tả Đức Tin. Thánh Giacôbê : “Ai bảo rằng mình có Đức Tin mà không hành động theo Đức Tin, thì nào có ích lợi gì? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng?Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-16 : Bài đọc II). Để diễn tả Đức Tin sống động, thánh Tông Đồ nói : “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi,và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14 : Tung Hô Tin Mừng).

            Cũng chính vì thế mà thánh Tông Đồ muốn được cộng tác với Đức Giêsu phục vụ trong gian khổ và ông còn muốn các Kitô hữu bắt chước ông (x 1Cr 11,1), như ông nói : “Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em, những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy cả vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể của Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Sống như thế mới nối dài và mở rộng tình yêu Thiên Chúa đến với mọi  người anh em, như Đức Giêsu nói : “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

THUỘC LÒNG.

            * Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em, những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy cả vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể của Người là Hội Thánh (Cl 1,24).

            * Không đổ máu không có ơn cứu độ ! (Dt 9,22)

            * Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết ! (Gc 2,17)

            http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

           

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: